Chế độ nô lệ: Châu Phi và Caribe đoàn kết yêu cầu châu Âu bồi thường

Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Caribe (Caricom) vừa đạt được sự đồng thuận trong việc thành lập quỹ bồi thường toàn cầu và kêu gọi các quốc gia châu Âu xin lỗi chính thức vì chế độ nô lệ trong quá khứ.

Cái bắt tay của những nạn nhân

Một phong trào toàn cầu nhằm tìm kiếm sự bồi thường cho chế độ nô lệ đã được thúc đẩy trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 36 ở Ghana tuần này. Theo đó, AU hợp tác với các nước Cộng đồng Caribe thành lập một “mặt trận thống nhất” nhằm thuyết phục các quốc gia châu Âu trả giá cho những điều mà AU và Caricom mô tả là “tội ác hàng loạt lịch sử”.

 Các đại biểu châu Phi và Caribe bày tỏ sự đồng lòng trong việc đòi bồi thường cho chế độ nô lệ. Ảnh: BNN

Các đại biểu châu Phi và Caribe bày tỏ sự đồng lòng trong việc đòi bồi thường cho chế độ nô lệ. Ảnh: BNN

Sự hợp tác giữa AU gồm 55 thành viên và Caricom gồm 20 quốc gia sẽ nhằm mục đích tăng cường áp lực lên các nước từng là chủ nô để tham gia vào phong trào bồi thường. Các đại biểu cũng tuyên bố thành lập một quỹ toàn cầu có trụ sở tại châu Phi nhằm đẩy nhanh chiến dịch.

Một dự thảo tuyên bố được lưu hành vào cuối hội nghị kéo dài bốn ngày không nêu rõ hình thức bồi thường nào nhưng nói rằng AU sẽ xem xét “các phương án kiện tụng” và làm việc với Liên hợp quốc để đánh giá “liệu các hành vi nô lệ chống lại người châu Phi có cấu thành vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vào thời điểm xảy ra hay không”. Phiên bản hoàn thiện của “Tuyên bố Accra”, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Khai mạc hội nghị, Tổng thống Ghana, Nana Akufo-Addo, cho biết: “Toàn bộ thời kỳ nô lệ có nghĩa là sự tiến bộ của chúng ta về mặt kinh tế, văn hóa và tâm lý đã bị kìm hãm. Có vô số câu chuyện về những gia đình bị tan vỡ… Bạn không thể định lượng được tác động của những bi kịch như vậy, nhưng chúng cần phải được công nhận”.

Ông Akufo-Addo nói: “Toàn bộ lục địa châu Phi xứng đáng nhận được lời xin lỗi chính thức từ các quốc gia châu Âu có liên quan đến buôn bán nô lệ”, đồng thời cho biết thêm: “Không có số tiền nào có thể bù đắp được những thiệt hại do buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương gây ra và những hậu quả của nó. Nhưng chắc chắn đây là vấn đề mà thế giới phải đối mặt và không thể bỏ qua được nữa”.

Trước đó, các đại biểu của châu Phi đã tới Barbados hồi tháng 7 để bắt đầu thảo luận về cách hợp tác chung với các quốc gia Caribe về vấn đề này. Về phần Caricom, Tổng thư ký của tổ chức này, bà Carla Barnett, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh AU tại Ghana rằng: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt quan trọng trong phong trào toàn cầu đòi công lý đền bù.” Bà Barnett tin rằng điều quan trọng là cả hai khối phải “nói chung một tiếng nói để thúc đẩy lời kêu gọi bồi thường”.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết một quan chức đã tham dự hội nghị “như một phần của cam kết ngoại giao tiêu chuẩn”, nhưng Chính phủ Anh vẫn phản đối khái niệm bồi thường.

Phản ứng nào sau những lời kêu gọi bồi thường?

Hồi đầu năm nay, khi được Nghị sĩ Công đảng Anh, Bell Ribeiro-Addy hỏi liệu ông có đưa ra “lời xin lỗi đầy đủ và có ý nghĩa về vai trò của đất nước chúng ta trong chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân” cũng như cam kết thực hiện công lý đền bù hay không?

Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, đã trả lời “không”, nói thêm rằng dù điều quan trọng là phải có một xã hội hòa nhập và khoan dung, nhưng “cố gắng loại bỏ lịch sử của chúng ta không phải là con đường đúng đắn và không phải là điều chúng tôi sẽ tập trung sức lực vào”.

Cách tiếp cận của ông Sunak được chia sẻ bởi tân Ngoại trưởng David Cameron, người đã tới Jamaica khi ông còn là thủ tướng vào năm 2015 và thừa nhận rằng chế độ nô lệ là “ghê tởm dưới mọi hình thức” nhưng cho biết ông hy vọng “chúng ta có thể vượt qua di sản đau đớn này” .

 Đơn vị quân đội đồn trú tại Lâu đài Elmina tại Ghana năm 1883, nơi đây từng là trạm trung chuyển nô lệ hàng đầu châu Phi. Ảnh: New York Post

Đơn vị quân đội đồn trú tại Lâu đài Elmina tại Ghana năm 1883, nơi đây từng là trạm trung chuyển nô lệ hàng đầu châu Phi. Ảnh: New York Post

Tuy nhiên, một số tiến bộ đã được thực hiện ở nơi khác.

Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, gần đây đã bày tỏ “sự xấu hổ” trước những hành động tàn bạo của thuộc địa mà đất nước ông đã gây ra cho Tanzania. Vào năm 2021, Đức đã chính thức thừa nhận phạm tội diệt chủng trong thời gian chiếm đóng Namibia và công bố hỗ trợ tài chính trị giá hơn 1,1 tỷ euro.

Năm ngoái, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thay mặt chính phủ nước này đưa ra lời xin lỗi chính thức về vai trò lịch sử của Hà Lan trong buôn bán nô lệ mà ông coi là tội ác chống lại loài người.

Trong chuyến đi tới Nairobi vào tháng trước, Vua Charles đã thừa nhận “những hành động bạo lực ghê tởm và vô lý đối với người Kenya” trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ. Tuy nhiên, ông đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức .

Tiền bồi thường lên tới hàng nghìn tỷ USD

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Ghana cho biết họ cảm thấy phấn khích trước bằng chứng về sự sẵn sàng ngày càng tăng trong việc chấp nhận nhu cầu trả tiền bồi thường.

Họ trích dẫn lời hứa của Đại học Glasgow sẽ trả 20 triệu bảng để chuộc lại các liên kết lịch sử của trường với hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và cam kết đền bù 100 triệu bảng của Giáo hội Anh để “giải quyết vấn đề sai lầm trong quá khứ” sau khi danh mục đầu tư của tổ chức này được phát hiện có mối liên hệ lịch sử với việc vận chuyển nô lệ. Phong trào “Người thừa kế nô lệ mới”, được thành lập bởi hậu duệ của một số chủ sở hữu nô lệ giàu có nhất nước Anh, cũng ủng hộ lời kêu gọi đền bù công lý.

Bell Ribeiro-Addy, người đã tham dự hội nghị tại Ghana và là chủ tịch nhóm nghị sĩ toàn quốc về vấn đề bồi thường, cho biết việc chứng kiến Liên minh châu Phi hợp lực với Caricom là rất quan trọng. “Đó là một bước tiến lớn. Họ đã gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng đây là điều không thể bỏ qua được nữa”, bà Ribeiro-Addy nói với báo The Guardian.

David Comissiong, Đại sứ Barbados tại Caricom và phó chủ tịch lực lượng đặc nhiệm quốc gia về bồi thường chiến tranh của đất nước, cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đều cảm thấy họ đang trải qua một điều gì đó rất lịch sử; mọi người cảm thấy được khuyến khích bởi khối lượng công việc đã được thực hiện để tạo ra phong trào bồi thường toàn cầu”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 36, các đại biểu đã đến thăm Lâu đài Elmina, một điểm buôn bán nô lệ lớn của châu Âu ở Ghana, nơi những người nô lệ bị giam giữ trước khi lên tàu đến Caribe, Brazil và Bắc Mỹ. Ít nhất 12 triệu người châu Phi đã bị các quốc gia châu Âu cưỡng bức bắt giữ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 và làm nô lệ trong các đồn điền.

Kế hoạch 10 điểm của Caricom về công lý bồi thường yêu cầu một lời xin lỗi chính thức đầy đủ, xóa nợ và các cường quốc thuộc địa cũ đầu tư vào hệ thống giáo dục và y tế của các quốc gia chịu ảnh hưởng. Báo cáo gần đây của tập đoàn tư vấn Brattle do Đại học West Indies ủy quyền thực hiện ước tính Vương quốc Anh nợ 18,8 nghìn tỷ bảng tiền bồi thường cho các đảo Caribe sau hàng trăm năm khai thác thực dân ở khu vực này.

Kế hoạch của Caricom cũng đã được AU đồng thuận và sẽ là mục tiêu tranh đấu của các quốc gia từng là nạn nhân của chế độ nô lệ trong thời gian tới.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/che-do-no-le-chau-phi-va-caribe-doan-ket-yeu-cau-chau-au-boi-thuong-post273101.html