Chế độ phụ cấp đối với bác sĩ gây mê hồi sức có phù hợp?

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo quy định phụ cấp của 'người gây mê hồi sức chính hoặc châm tê chính' chỉ ngang bằng với 'người phụ mổ' là chưa phù hợp. Nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, trong thời gian tới có thể rất thiếu nhân lực gây mê hồi sức chất lượng cao.

Vai trò quan trọng của bác sĩ gây mê hồi sức

 Bác sĩ gây mê hồi sức rất quan trọng trong các ca mổ

Bác sĩ gây mê hồi sức rất quan trọng trong các ca mổ

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo số 6187/BYT-TCCB Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ/TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng, chống dịch (Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 73).

Đa số ý kiến góp ý đều đồng tình với Bộ Y tế về việc cần điều chỉnh tăng phụ cấp đối với cán bộ y tế vì mức phụ cấp theo Quyết định 73 là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tại Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 73, quy định về chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật hiện đang xếp phụ cấp của “người gây mê hồi sức (GMHS) chính hoặc châm tê chính” ngang hàng với “người phụ mổ” là chưa phù hợp.

Cụ thể, tại Công văn số 101/HGMHSVN-CV gửi Bộ Y tế và các cơ quan liên quan về việc góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 73, Hội GMHS Việt Nam cho rằng, trong phẫu thuật, luôn cần có sự phối hợp giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ GMHS để bảo đảm an toàn cho người bệnh, bảo đảm cho ca mổ thành công. Thiếu 1 trong 2 chuyên khoa này chắc chắn ca phẫu thuật sẽ không thể thực hiện. Ngay cả trong các phẫu thuật nhỏ như phẫu thuật loại 3, mặc dù có thể thực hiện gây tê tại chỗ nhưng cũng không thể thiếu bác sĩ GMHS nếu như đó là đối tượng có nguy cơ cao như người già, trẻ em không hợp tác, có bệnh lý nền...

Trong các phẫu thuật lớn và đặc biệt như phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, thần kinh, chấn thương... vai trò của bác sĩ GMHS càng quan trọng hơn nhằm kiểm tra đánh giá tối ưu hóa người bệnh trước phẫu thuật, phát hiện xử trí sớm các tai biến, biến chứng của phẫu thuật thường gặp (chảy máu, tắc mạch khí, tắc mạch phổi…); những tai biến, biến chứng có liên quan đến GMHS và tiếp tục theo dõi, hồi sức phục hồi các chức năng sống cho người bệnh.

 Bác sĩ GMHS luôn đồng hành cùng bác sĩ phẫu thuật trong các ca mổ

Bác sĩ GMHS luôn đồng hành cùng bác sĩ phẫu thuật trong các ca mổ

Theo Hội GMHS Việt Nam, tại Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn về công tác gây mê hồi sức có quy định tại Khoản p Mục 2 Điều 10 về nhiệm vụ của bác sĩ tại khu phẫu thuật là: “Chịu trách nhiệm về GMHS cho đến khi người bệnh hết tác dụng của phương pháp gây mê và của thuốc an thần, gây mê, gây tê. Chịu trách nhiệm về y lệnh chuyển người bệnh ra khỏi phòng mổ, từ bộ phận hồi tỉnh chuyển về bộ phận hồi sức ngoại khoa, khoa phòng khác hay xuất viện”; do vậy, vai trò của bác sĩ GMHS là chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực chuyên môn GMHS cho người bệnh giống như bác sĩ phẫu thuật là người chịu trách nhiệm chính về kết quả của phương pháp phẫu thuật…

Tuy nhiên, do Thông tư 50/2014/TT-BYT quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật dựa vào mức độ nguy hiểm với tính mạng người bệnh hiện chỉ dựa vào mức độ nguy hiểm tính mạng của phương pháp phẫu thuật mà chưa dựa trên mức độ nguy hiểm tính mạng liên quan đến các bệnh lý nền nặng (bệnh mạch vành, suy tim, suy gan thận…), nguy cơ trong GMHS (đường thở khó, rối loạn huyết động trong phẫu thuật, rối loạn đông máu, rối loạn hô hấp...). Việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật chưa phù hợp với thực tiễn chuyên môn dẫn đến việc xây dựng phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật mới đang chú trọng vào vị trí bác phẫu thuật mà chưa đánh giá thỏa đáng vai trò của bác sĩ GMHS.

Do đó, Hội GMHS Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định chế độ phụ cấp đối với "người phẫu thuật viên chính" ngang bằng "người GMHS hoặc châm tê chính" "người phụ mổ" ngang bằng "người phụ hoặc phụ châm tê", cho phù hợp với thực tiễn chuyên môn.

Ngoài Hội GMHS Việt Nam, nhiều Sở Y tế, bệnh viện, trường đại học y…cũng đã có kiến nghị tương tự.

Nguy cơ thiếu nhân lực gây mê hồi sức chất lượng cao

 Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng

Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng cho biết: "Trước đây trong các thông tư, nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế đều khẳng định bác sĩ GMHS có vai trò quan trọng trong các ca mổ, tương đương bác sĩ phẫu thuật. Bởi bác sĩ phẫu thuật là người mổ để giải quyết các tổn thương, còn bác sĩ GMHS là người có trách nhiệm bảo đảm cho bệnh nhân an toàn trước, trong, sau ca mổ và hồi sức cho bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Về mặt chuyên môn bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ GMHS đều quan trọng như nhau".

Theo Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng, trên thế giới, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ GMHS cũng được đánh giá ngang hàng nhau về trách nhiệm đối với tính mạng người bệnh. Tại Việt Nam cũng quan niệm như vậy.

Cụ thể, tại Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn công tác GMHS đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của khoa GMHS. Đồng thời, tại Quyết định 73 đã quy định phẫu thuật viên chính và người GMHS chính được hưởng mức phụ cấp như nhau.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1.7.2024, Việt Nam tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó có nội dung xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm và sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành bảo đảm cơ cấu tiền lương mới. Do đó, cần tính đúng, tính đủ với khả năng đóng góp và trí tuệ của 2 chuyên ngành phẫu thuật và GMHS trước tính mạng người bệnh để có chế độ phụ cấp phù hợp.

“Thực tế, 1 bác sĩ GMHS chỉ được phép thực hiện cho 1 bệnh nhân trong 1 thời điểm. Nếu thực hiện cho bệnh nhân thứ 2 thì 2 phòng phẫu thuật phải cạnh nhau và phải được lãnh đạo cho phép. Anh em làm việc rất vất vả, phải chăm sóc người bệnh trước, trong và sau mổ. Do đó, bác sĩ GMHS không thể thực hiện nhiều ca bệnh hơn bác sĩ phẫu thuật”, Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng chia sẻ.

 Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng đào tạo về an toàn gây mê tại Khoa GMHS Bệnh viện Bạch Mai

Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng đào tạo về an toàn gây mê tại Khoa GMHS Bệnh viện Bạch Mai

Theo Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng, việc gây mê không chỉ dành cho các ca mổ, chỉ cần nội soi tiêu hóa cũng phải gây mê và phải có bác sĩ gây mê. Do đó, số lượng bác sĩ GMHS tại Việt Nam đang rất thiếu so với nhu cầu. Tổ chức y tế thế giới đã thống kê, ở Mỹ có 20 bác sĩ GMHS/100.000 dân; ở Singapore và Thái Lan là 5-7 bác sĩ GMHS/100.000 dân. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, tổng số lượng bác sĩ GMHS chỉ khoảng 2.000 người, tương đương khoảng 1-2 bác sĩ GMHS/100.000 dân.

“Để đào tạo ra 1 bác sĩ GMHS mất rất nhiều thời gian. Nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, trong thời gian tới có thể rất thiếu nhân lực GMHS chất lượng cao. Việc này liên quan trực tiếp đến an toàn người bệnh. Do đó, cần thay đổi cách nghĩ, thay đổi về đào tạo chuyên ngành GMHS và thù lao cho người lao động trong lĩnh vực GMHS”, Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam PGS. TS. BS. Công Quyết Thắng nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/che-do-phu-cap-doi-voi-bac-si-gay-me-hoi-suc-co-phu-hop-post393470.html