Chế độ tiền lương cần bảo đảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống
LTS: Lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới là một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Người dân mong đợi việc cải cách tiền lương một cách căn bản thông qua thực hiện chế độ tiền lương mới không chỉ giúp nâng cao hơn nữa đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động... mà còn góp phần bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ông PHẠM MINH HUÂN, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia:
Cải cách tiền lương tạo động lực làm việc cho người lao động
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc Trung ương, Chính phủ tập trung được cả về thể chế, nguồn lực để thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là việc làm rất tốt và cần thiết. Phải hiểu rằng, rất nhiều người mong chờ vào việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương lần này. Việc cải cách lần này kỳ vọng sẽ tạo cơ sở để bảo đảm tốt hơn cho đời sống của người được trả lương. Từ đó, tạo động lực, khuyến khích làm việc năng suất, hiệu quả hơn.
Điều đáng chú ý hiện nay là khi cải cách chính sách tiền lương mới thì sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Thay vào đó sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Nhiều người băn khoăn bảng lương mới sẽ được tính toán như thế nào, nhưng theo tôi, về mặt nghiệp vụ thì cơ quan chuyên môn hoàn toàn có thể tính toán được, trên cơ sở Trung ương sẽ đưa ra chủ trương, nguyên tắc để thiết kế bảng lương mới phù hợp, sẽ có sự so sánh với mức lương trên thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, theo việc cải cách chính sách tiền lương mới, cán bộ, công chức, viên chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Cũng có một số ý kiến băn khoăn rằng, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm. Như vậy, trong nền kinh tế có quá nhiều vị trí việc làm, điều này liệu có gây khó khăn cho việc xây dựng bảng lương mới. Nhưng tôi cho rằng, về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này. Thực tế có các vị trí việc làm tương ứng nhau, hoặc là có các công việc tương ứng nhau về mức độ phức tạp, điều kiện lao động thì cơ quan chuyên môn sẽ nhóm vào thành nhóm.
----------------------------------------
Ông Lê Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và công nghệ Việt Nhật
Tạo động lực cho người lao động qua chế độ tiền lương mới
Tiền lương là một bộ phận rất quan trọng của thị trường lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người hưởng lương và có mối quan hệ chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Với những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, quá trình cải cách chính sách tiền lương của nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương nên dễ dẫn đến một số tiêu cực trong quá trình làm việc. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công về cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm và chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Việc thực hiện xã hội hóa và điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm, chưa đáp ứng với hoàn cảnh thực tế.
Hiện nay, chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tư nhân từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân được quyết định chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, trả lương xứng đáng với công sức lao động bỏ ra, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp nhà nước chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tiền lương của những doanh nghiệp này. Chính vì vậy, cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Đây là một điểm nghẽn cần khơi thông để tạo động lực thực sự cho người lao động hoạt động trong những doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024 là thực sự đúng đắn và rất cần thiết. Về mặt chiến lược dài hạn, chế độ tiền lương mới cần phải phù hợp với chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương mới cần hướng tới việc tạo động lực cho người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với tổ chức và giữ chân những người tài trong bộ máy nhà nước để không xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám".
----------------------------------------
Thiếu tá TRƯƠNG MINH TIẾN, Phó giám đốc Ban điều hành kiêm Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 (dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt) của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng)
Giữ chân người lao động bằng tiền lương và các chính sách đãi ngộ
Trên các công trường trọng điểm Binh đoàn 12 tham gia thi công hiện nay, trong đó có dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động đều đang rất nỗ lực để bám sát tiến độ, sớm đưa dự án về đích. Đơn vị làm tăng ca, tăng kíp để thực hiện các hạng mục của phần đường và một số công trình trên tuyến. Để kịp thời động viên, khích lệ người lao động, việc bảo đảm tiền lương, thu nhập, bao gồm cả trả công làm ngoài giờ luôn được đơn vị quan tâm... Ngoài các bữa ăn chính, công nhân làm thêm giờ còn có bữa ăn tăng ca. Bên cạnh đó, khu vực sinh hoạt, ăn ở của công nhân, nhà làm việc của ban điều hành được xây dựng khang trang, không còn cảnh lán trại tạm bợ, giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Các chế độ, chính sách ưu đãi từ lương, thưởng đến sự quan tâm, hỗ trợ trong công việc, đời sống hằng ngày đã góp phần quan trọng để giữ chân người lao động, nhất là lao động lành nghề, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Từ khi áp dụng mức lương cơ sở mới vào ngày 1-7-2023, Binh đoàn 12 đã thực hiện nâng lương cho cán bộ, chiến sĩ. Lương được trả theo công việc, kết quả hoạt động sản xuất. Mức thu nhập của cán bộ, chiến sĩ hiện nay từng bước theo kịp với mặt bằng chung xã hội. Tuy nhiên, định mức nhân công của cơ quan quản lý nhà nước ban hành đối với công trình hạ tầng giao thông còn thấp, đơn cử như với thợ bậc 3/7 chỉ ở mức 250.000 đồng/ngày công, trong khi mức chi trả thực tế lên đến 350.000-400.000 đồng/ngày công. Định mức thấp cũng ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động, vì vậy cần nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp. Cùng với đó, đơn vị cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn kinh phí bảo đảm tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động.
------------------------------------------
Anh hùng Lao động HOÀNG ĐỨC THẢO, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam:
Bảo đảm thu nhập cho nhà khoa học để không "chảy máu chất xám"
Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm, trong đó có những người làm nghiên cứu khoa học tại các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước. Bởi thực tế, trong những năm qua, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức tại các viện nghiên cứu vẫn còn thấp. Đơn cử, tại Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lương của cán bộ, cử nhân ra trường sau khi trừ bảo hiểm và các khoản chi phí chỉ còn khoảng hơn 3 triệu đồng. Với mức lương như vậy thật khó để duy trì được cuộc sống chi tiêu hằng ngày, chưa kể còn có gia đình, con cái. Không chỉ người trẻ, mức lương của tiến sĩ khoa học tại đây cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với các nghiên cứu viên cao cấp như giáo sư, phó giáo sư lương từ 9 triệu đồng đến 13 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, theo cơ chế mới về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở nghiên cứu, lương cấp cho nhà khoa học đang giảm dần. Ở nhiều viện, nhà nghiên cứu chỉ nhận được hơn một nửa số lương, số còn lại gộp cùng kinh phí nhà nước để cấp cho nhiệm vụ khoa học-công nghệ. Nhưng nhiệm vụ khoa học-công nghệ không phải lúc nào cũng có và cũng không phải người nào cũng được tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều nhà khoa học đã lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của nước ngoài để nâng cao thu nhập, vô hình trung khiến hiện tượng "chảy máu chất xám" ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, tôi hy vọng rằng lộ trình cải cách tiền lương lần này sẽ bảo đảm được nguồn thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả nước nói chung và những người làm nghiên cứu khoa học nói riêng, để họ được yên tâm cống hiến trí tuệ của mình vì sự phát triển của đất nước.
----------------------------------------------
Y sĩ QUAN TRUNG SỸ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang):
Quan tâm tăng lương, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa
Với chức năng, nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng miền núi, cá nhân tôi nhận thấy rằng chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ, năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, một vấn đề mà tôi đang rất quan tâm đó là lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới. Là một y sĩ, đồng thời là một Trạm trưởng Trạm Y tế ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, tôi hy vọng rằng, với việc thực hiện chế độ tiền lương mới, đối với nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa như chúng tôi sẽ yên tâm và tâm huyết hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì hiện tại, ngoài lương thì chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế là rất thấp (theo quy định, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế, tiền trực ngày thường cán bộ y tế cơ sở được hưởng là 18.750 đồng/ngày; trực thứ bảy, chủ nhật hưởng 47.500 đồng/ngày; ngày lễ, tết hưởng 60.000 đồng/ngày, bao gồm cả tiền ăn), do đó đội ngũ y tế thôn còn phải làm thêm những công việc khác để trang trải cho cuộc sống gia đình nên chưa thể yên tâm dành nhiều thời gian cho công tác y tế tại thôn, bản. Từ đó cũng gây thiệt thòi cho bà con khi ít được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng trong việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Tôi cũng mong các nhà hoạch định chính sách xây dựng chính sách thu hút nhân lực là bác sĩ làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Cùng với đó là đào tạo nhân lực sẵn có tại địa phương để khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng tại vùng sâu, vùng xa. Có như vậy chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây mới được bảo đảm. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị các cấp xây dựng chính sách hỗ trợ mô hình sinh kế tại vùng khó khăn để bà con thoát nghèo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện dinh dưỡng và vóc dáng ở trẻ em nông thôn miền núi.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.