Chế độ tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức tại Thủ đô dự kiến thực hiện thế nào?

Tại Điều 18 dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị…

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới. Một trong những vấn đề được quan tâm liên quan đến chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, tại Điều 17 về "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" quy định, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc trong các lĩnh vực, ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều kiện làm việc, phát triển năng lực.

Là người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc TP. Hà Nội.

Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp do HĐND thành phố quy định.

Nhiều chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội.

Nhiều chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô được thực hiện như sau: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; quy hoạch, xây dựng; văn hóa, nghệ thuật, thể thao; giáo dục đào tạo, dạy nghề; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng; giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế;

Hỗ trợ từ ngân sách của TP. Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô; Cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô đi học tập tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;

Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP. Hà Nội.

Tại Điều 18 quy định "Chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức" nêu rõ, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do TP. Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc.

Ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của TP. Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-tien-luong-thu-nhap-cua-cong-vien-chuc-tai-thu-do-du-kien-thuc-hien-the-nao-169230921181631435.htm