Che giấu xuất thân gốc Á khi nộp đơn vào đại học Mỹ

Sau khi vụ kiện của ĐH Harvard nổi lên vì phân biệt các ứng viên gốc Á, nhiều sinh viên thuộc nhóm này cho hay họ đã phải cố giấu nguồn gốc của mình để có vẻ 'bớt Á' nhất.

Max Li từ chối khai báo chủng tộc khi làm hồ sơ đăng ký đại học dù có họ cho thấy cô là người gốc Hoa. Clara Chen đăng ký kỳ thi xếp lớp tiếng Pháp thay vì tiếng Trung vì sợ ảnh hưởng điểm số. Dù dành rất nhiều thời gian chơi và tìm hiểu về cờ vua, Marissa Li không dám để môn thể thao này vào hồ sơ đăng ký đại học vì sợ bị xem là người châu Á khuôn mẫu.

Họ là vài trong số rất nhiều trường hợp phải thay đổi sở thích, che giấu chủng tộc của mình như để cho hội đồng tuyển sinh biết rằng mình "ít châu Á", theo New York Times.

ĐH Harvard phân biệt sinh viên gốc Á

Tháng 10 vừa qua, Cộng đồng Tuyển sinh công bằng đã kiện ĐH Harvard với cáo buộc phân biệt đối xử một cách có hệ thống đối với các ứng viên người Mỹ gốc Á. Cụ thể, các ứng viên gốc Á luôn nhận được “đánh giá cá nhân” thấp hơn ở những đặc điểm chủ quan như sự tự tin, dễ thương hay tốt bụng.

Ngoài ra, còn có tin đồn ứng viên Mỹ gốc Á phải có thành tích tốt hơn thành tích đầu vào tiêu chuẩn so với ứng viên chủng tộc khác để khi cùng ứng tuyển vào một trường đại học.

 Marissa Li phải che giấu sở thích nghe có vẻ "châu Á" của mình là chơi cờ vua để tăng khả năng được nhận vào Harvard. Ảnh: NYT.

Marissa Li phải che giấu sở thích nghe có vẻ "châu Á" của mình là chơi cờ vua để tăng khả năng được nhận vào Harvard. Ảnh: NYT.

Thậm chí, Cộng đồng Tuyển sinh công bằng còn đưa ra một hướng dẫn làm hồ sơ ứng tuyển dành cho ứng viên gốc Á do Princeton Review xuất bản hồi 2004. Hướng dẫn này khuyên các ứng viên gốc Á nên cố giấu nguồn gốc cũng như chủng tộc của mình.

Cộng đồng này so sánh cách ĐH Harvard đối xử với ứng viên Mỹ gốc Á như cách họ đối xử với ứng viên người Do Thái năm 1920 để hạn chế sinh viên người Do Thái nhập học vào trường.

Ngoài ra, Cộng đồng Tuyển sinh công bằng cũng lập luận sự thiên vị của ĐH Harvard gây ra mức độ lo lắng và tỷ lệ tự tử cao bất thường ở sinh viên gốc Á.

Trong khi đó, nhiều nhà tư vấn tuyển sinh định hướng khách hàng gốc Á của mình tránh các hoạt động ngoại khóa điển hình của người châu Á như học tiếng Hoa, học piano hoặc các nhạc cụ truyền thống của các quốc gia châu Á.

Ngoài ra, các nhà tư vấn tuyển sinh cũng dặn ứng viên không nên để tâm đến mục chủng tộc trong hồ sơ đăng ký đại học trừ khi là người gốc Latin hoặc Da đen.

"Tôi chính là tôi"

Đáp lại, ĐH Harvard cho biết không có phân biệt nào đối với người gốc Á cũng như chủng tộc chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá ứng viên.

Bổ sung cho quan điểm này, những người ủng hộ Harvard cũng đưa ra số liệu cho thấy số lượng ứng viên người Mỹ gốc Á tăng đều trong nhiều năm. Trong khi người gốc Á chỉ chiếm 7% dân số nước Mỹ, sinh viên gốc Á lại chiếm 28% tổng số sinh viên được nhận năm 2022, tăng 20% so với năm 2013.

Họ cũng cho rằng việc Cộng đồng Tuyển sinh công bằng so sánh chính sách tuyển sinh người gốc Á và người Do Thái trong lịch sử là khập khiễng và thiếu bằng chứng xác đáng.

Là con của những người nhập cư Trung Quốc thuộc tầng lớp lao động, Sally Chen, Giám đốc chương trình bình đẳng giáo dục tại một tổ chức vận động, cho biết mình đã được hưởng lợi khi ứng tuyển vào ĐH Harvard và khẳng định không có bằng chứng về sự phân biệt đối xử đối với người gốc Á trong quá trình tuyển sinh của trường.

 ĐH Harvard phủ nhận phân biệt ứng viên gốc Á. Ảnh: NYT.

ĐH Harvard phủ nhận phân biệt ứng viên gốc Á. Ảnh: NYT.

Trong các cuộc phỏng vấn với sinh viên người Mỹ gốc Á đã và đang theo học tại ĐH Harvard, hầu hết đều cảm thấy lo lắng trước một số tiết lộ của vụ kiện. Tuy nhiên, họ cũng ủng hộ những nỗ lực của trường trong việc xây dựng cộng đồng sinh viên đa dạng chủng tộc trong nhà trường.

Một số sinh viên cho biết họ đã viết về bản sắc châu Á của mình trong đơn đăng ký nhập học. Tuy nhiên, họ đã sáng tạo để tránh rập khuôn về việc kể lại hành trình nhập cư của cha mẹ mình. Thay vào đó, họ kể về khoảng cách thế hệ giữa mình và cha mẹ là những người nhập cư.

Marissa Li đã kể lại việc phải phiên dịch tiếng Anh - Trung tại một cuộc thi quốc tế, từ đó nêu ra những khó khăn khi giao tiếp với cha mẹ là người nhập cư của mình.

Lap Nguyen, sinh viên năm cuối tại Harvard, cũng viết về niềm yêu thích của anh đối với tiếng Việt và quá trình cậu dạy ngôn ngữ này cho em trai.

Cho đến hiện tại, nhiều sinh viên gốc Á đã bắt đầu viết về nguồn gốc của mình.

Grace Ou, học sinh cuối cấp tại Trường Khoa học và Công nghệ Galileo cho hay mình bắt đầu thay đổi suy nghĩ khi nhận ra sức mạnh của cộng đồng mình trong đại dịch Covid-19, khi xuất hiện làn sóng phản đối người châu Á.

"Khi nộp đơn vào đại học, tôi sẽ không né tránh hay che giấu nguồn gốc của mình. Tôi chính là tôi", cô nói.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-giau-xuat-than-goc-a-khi-nop-don-vao-dai-hoc-my-post1381818.html