Cơ hội cho học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố điểm chuẩn lớp 10 hệ công lập, hướng sang học hệ 9+ (học văn hóa THPT và học nghề trình độ trung cấp) được phụ huynh và học sinh tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp).
Lựa chọn hướng đi mới
Ghi nhận tại Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghiệp Hà Nội những ngày đầu tháng 7/2024 cho thấy, nhiều phụ huynh chở con đến Văn phòng tuyển sinh của nhà trường để nộp hồ sơ, xác nhận nhập học Chương trình 9+.
Vừa nộp hồ sơ gốc cho con học Chương trình 9+, anh Vũ Trường Thành (ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Con gái tôi thi vào lớp 10 đạt 36,5 điểm, nhưng bị thiếu 3,25 điểm nguyện vọng 1 của Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa; thiếu 1,25 điểm nguyện vọng 2 Trường THPT Trần Hưng Đạo. Cách đây hơn 1,5 tháng, khi được các thầy cô Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội tư vấn các ngành nghề đào tạo, tôi đã dự tính cho con học tại trường. Sau khi tìm hiểu ngành Kế toán doanh nghiệp, tôi đã đến trường nộp hồ sơ cho cháu...".
Còn bà Trần Thị Minh Huệ là phụ huynh của học sinh Bùi Trung Trường vừa tốt nghiệp trường THCS Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) cũng đã lựa chọn trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội học hệ 9+. Với việc đăng ký sớm, Em Bùi Trung Trường đã được nhà trường trao học bổng bằng 5 tháng học phí năm học 2024 - 2025.
Trong số những học sinh đến trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) đăng ký xét tuyển Chương trình 9+, nhiều em đã quyết định đi học chương trình song bằng để sau này học liên thông lên cao đẳng hoặc đăng ký xét tuyển đại học sau khi tốt nghiệp THPT.
Bà Phạm Thị Hiếu, phụ huynh học sinh có con vào một trường cao đẳng nghề du lịch Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng đã trăn trở về lựa chọn chỗ học cho con. Thi vào 10 tại Hà Nội thật là khốc liệt, với tỷ lệ chỉ có 61% vào lớp 10 công lập. Điều này đồng nghĩa có 4/10 em phải học trường dân lập hoặc học nghề. Sau khi nghe tư vấn và căn cứ theo lực học của con, hoàn cảnh gia đình, tôi quyết định chọn hệ 9+ để vừa học nghề vừa thi tốt nghiệp PTTH và vẫn có hướng học lên đại học. Đây cũng là một hướng đi mới trước áp lực thi vào 10 công lập tại Hà Nội những năm gần đây”, chị Phạm Thị Hiếu chia sẻ.
Học sinh đăng ký nhập học sớm
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về tuyển sinh hệ 9+, thầy Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Năm nay, trường được giao 135 chỉ tiêu hệ 9+. Đến ngày 4/7, đã có 130 em nộp hồ sơ nhập học vào 3 khoa: Điện - Điện tử - Tin học; Công nghệ ô tô; Công nghệ Cơ khí. Trong số này có 100 em nộp hồ sơ từ trước kỳ thi vào lớp 10 công lập Hà Nội. Đây là những em có định hướng học nghề từ sớm, tốt nghiệp THCS là nhập học luôn hệ 9+, không tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập Hà Nội.
“Nhà trường đang xin thêm chỉ tuyển và dự kiến tuyển từ 180 - 200 em học hệ 9+”, thầy Trần Việt Hùng cho biết.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường được giao 315 chỉ tiêu xét tuyển chương trình 9+. Hiện đã có 300 em nộp hồ sơ xác nhận nhập học. Trong số này có 150 em nộp hồ sơ từ sớm, không tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 hệ công lập mà đăng ký nhập học luôn hệ 9+. Đa số các em đăng ký học Khoa công nghệ thông tin. Trong 3 năm trở lại đây, 100% học sinh hệ 9+ tại trường đều thi đỗ tốt nghiệp THPT. Trong số này, có 60% em học tiếp lên cao đẳng, 30% vào học đại học, 10% tham gia luôn thị trường lao động.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được giao tuyển sinh 490 chỉ tiêu chương trình 9+. Đến nay, nhà trường nhận được 559 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó có hơn 430 em xác nhận nhập học. Những ngành nghề có nhiều phụ huynh, học sinh đăng ký xét tuyển là: Thiết kế đồ họa, Công nghệ thông tin, Truyền thông và mạng máy tính, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Chăm sóc sắc đẹp, Du lịch – lữ hành.
Thông tin về chương trình tuyển hệ 9+ với phóng viên báo Tin tức, TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết: Đây là năm đầu tiên nhà trường tuyển hệ 9+, với 100 chỉ tiêu. Đến nay, trường đã tuyển được 60 em vào học hệ tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật, với 3 nghề chế biến món ăn, quản lý khách sạn, hướng dẫn viên.
“Trường được giao tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là có sự liên kết với đối tác nước ngoài như Úc, Đức… Do đó, bên cạnh học ngoại ngữ theo yêu cầu từ phía đối tác, nhà trường cũng chú trọng đến phát triển các kỹ năng mềm, làm việc theo nhóm để các em khi tốt nghiệp có thể làm việc luôn tại các doanh nghiệp có hợp tác, liên kết với nhà trường. Hoặc các em có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng hoặc học đại học”, TS. Trịnh Thu Hà cho biết.
Ghi nhận từ lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng cho thấy, năm nay xu hướng đăng ký xét tuyển của phụ huynh và học sinh thực tế hơn. Nhất là trong bối cảnh thi vào lớp 10 hệ công lập Hà Nội ngày càng “căng thẳng” với tỷ lệ chọi cao. Khi cảm thấy con không thể thi đủ điểm vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh đã tìm đến trường nghề. Vì thế, từ cách đây một tháng, ngay sau khi hoàn thành chương trình THCS, nhiều phụ huynh và học sinh đã tìm đến các trường trung cấp, cao đẳng để đăng ký xét tuyển. Do đó, đến nay, các trường trung cấp, cao đẳng có uy tín đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu và chuẩn bị nhập học.