'Chê lúa mê hoa' giúp người dân thoát nghèo

Chiềng Xôm vốn là một xã khó khăn của thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái chiếm 91%. Tuy nhiên, không ít hộ dân ở đây đã mạnh dạn phát triển nghề trồng hoa hàng hóa thông qua HTX Hà Huy Thưởng nên có được nguồn thu nhập đáng kể phục vụ cuộc sống, thoát nghèo, làm thay đổi diện mạo xã cùng cao.

Năm 2002, từ mô hình trồng hoa hồng đầu tiên được triển khai trên địa bàn mà diện tích hoa ở Chiềng Xôm đã được nhân lên. Năm 2014, diện tích trồng hoa của xã là 18,44ha thì nay đã lên đến 53ha. Thay vì sản xuất đơn lẻ, người dân cũng đã thành lập HTX Hà Huy Thưởng với mục tiêu sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm đi các tỉnh thành.

Hiệu quả kinh tế

HTX Hà Huy Thưởng có hơn 100 thành viên chính thức và 400 hộ liên kết. Từ khi HTX trồng hoa Hà Huy Thưởng ra đời và hoạt động hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Chiềng Xôm đã không ngại chuyển đổi nhiều khu ruộng năng suất thấp thành cánh đồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao.

Trung bình mỗi ha trồng hoa đem lại doanh thu từ 1-1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đạt khoảng 350-400 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, trồng hoa đem lại thu nhập và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Nghề trồng hoa đòi hỏi lực lượng lao động lớn nên mỗi năm, HTX đã tạo việc làm cho trên 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương.

Anh Đỗ Xuân Công, thành viên HTX Hà Huy Thưởng, xã Chiềng Xôm, chia sẻ: Gia đình anh trồng 4 ha hoa hồng và hoa cúc, sản lượng khoảng 500 vạn bông, sau khi trừ chi phí, thu nhập 400 triệu/năm và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu/người/tháng.

Hoa hồng được trồng nhiều nhất ở Chiềng Xôm và cũng giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập.

Hoa hồng được trồng nhiều nhất ở Chiềng Xôm và cũng giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập.

Bà Lò Thị Dạnh (bản Có, xã Chiềng Xôm) sau khi được HTX đào tạo nghề trồng hoa và gắn bó với HTX nhiều năm đến nay đã được ký hợp đồng lao động. Bà cho biết HTX Hà Huy Thưởng đã làm thay đổi cuộc đời bà và người thân. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái trong xã cũng có cuộc sống ổn định nhờ làm thành viên hoặc liên kết với HTX. “Mình làm tốt, biết cách xử lý hoa, nhanh tay thì HTX cho mình làm chuyên. Làm việc này không vất vả lắm so với làm ruộng, thu nhập lại cao hơn. Tôi đăng ký làm lâu dài với HTX”, bà Dạnh chia sẻ.

Đặc biệt, để có diện tích lớn sản xuất hoa, HTX đã thuê đất sản xuất kém hiệu quả của người dân với giá cao. Nếu như người dân trồng lúa thì giá trị thu về chỉ khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm với những diện tích hiệu quả thấp, những vùng hiệu quả cao cũng chỉ cho thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/năm nhưng HTX đã đứng ra thuê với giá 90 triệu đồng/ha/năm nhằm khẳng định giá trị sản xuất và tạo niềm tin cho người dân.

Ngoài hoa hồng, hiện HTX đưa các giống hoa hoa ly, hoa lan, hoa lay ơn... vào trồng và đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại để khẳng định giá trị và mở rộng đầu ra. Nhờ đó, không chỉ tiêu thụ nội tỉnh Sơn La, hoa của HTX còn được các đơn vị thu mua từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đến ký hợp đồng với số lượng lớn.

Làm hoa công nghệ cao

Nhìn thấy tiềm năng của hoa, HTX Hà Huy Thưởng đang đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ qua các thành viên HTX và dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ngoài diện tích trồng ở xã Chiềng Xôm, HTX đã mở rộng 4ha sang xã lân cận nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Lợi thế ở Chiềng Xôm là điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho hoa phát triển nhưng ngược lại, Chiềng Xôm nằm cạnh con sông Nậm La lại hay bị ảnh hưởng bởi bão, lũ quét làm người trồng hoa gặp không ít khó khăn trong sản xuất quy mô lớn.

Trước thực trạng trên, HTX Hà Huy Thưởng đã đầu tư làm đường điện, nhà lưới, kho lạnh để trồng hoa công nghệ cao. Đồng thời cho HTX thuê trụ sở và nhà trưng bày sản phẩm diện tích 740m2 với giá trị đầu tư xây dựng lên đến hàng tỷ đồng.

Một điều thuận lợi của HTX là có kế hoạch sản xuất rõ ràng nên được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Các hộ dân cũng được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hàng hóa… chất lượng hoa được nâng cao, từ đó tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.

Việc đầu tư và ứng dụng các kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao của HTX đã giúp thành viên, người dân tộc Thái ở địa phương từ người nông dân với tư duy truyền thống, chỉ quen trồng lúa đủ ăn thì nay đã thành những công nhân lành nghề, am hiểu kỹ thuật.

Bà Đỗ Thị Lẩm (bản Panh, xã Chiềng Xôm) cho biết tuy trồng hoa yêu cầu nhiều kỹ thuật hơn nhưng nhờ đầu tư công nghệ và môi trường làm việc không hề vất vả, nặng nhọc, thu nhập lại cao hơn.

Nhờ được tham gia các lớp trồng hoa thường xuyên do HTX kết hợp với ngành chức năng tổ chức mà đến nay, người dân trong xã còn biết vừa trồng hoa vừa phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với các hộ trồng mới sẽ được hỗ trợ giống hoa mới có năng suất, chất lượng cao, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất. Điều đặc biệt hơn, hoa ở Chiềng Xôm được ứng dụng khoa học kỹ thuật nên có thể nở trái vụ so với nhiều địa phương khác, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để hoa Chiềng Xôm cung ứng ra nhiều thị trường.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Trồng hoa hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn khi không chỉ tô điểm cho nét đẹp vùng thung lũng Chiềng Xôm mà còn thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm cho biết phát triển nghề trồng hoa đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Quá trình phát triển sản xuất đã giúp người dân phát huy nội lực để có nguồn thu cho gia đình. Đặc biệt, người dân còn được hướng dẫn ứng dụng các hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả để mang lại giá trị bền vững, không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Người dân vẫn hay đùa nhau câu ‘dân ta chê lúa mê hoa’ bởi hoa không chỉ nói sự gắn bó của người dân với cây hoa mà còn cho thấy hiệu quả mà loại cây này mang lại”, ông Hưởng nói.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở Chiềng Xôm đạt 54 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%. Toàn xã không còn hộ đói.

Để người dân, HTX yên tâm phát triển sản xuất, một mặt cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, các nhóm hộ phát triển sản xuất. Mặt khác, xã cũng tích cực phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành của thành phố Sơn La kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân, HTX.

Nhờ vậy, người dân, HTX trồng hoa ở Chiềng Xôm đã không ngừng phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Tính đến nay, xã đã xây dựng được hàng chục mô hình kinh tế hộ gia đình hoạt động có hiệu quả nhờ trồng hoa hàng hóa. Nhiều gia đình đạt thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ đầu tư trồng hoa và làm thành viên HTX Hà Huy Thưởng.

Với định hướng tiếp tục nâng cao đời sống của người dân, Chiềng Xôm đang gắn phát triển trồng hoa hàng hóa với du lịch. Để làm được điều này, xã đang cùng thành phố và tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh trồng hoa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có 80ha trồng hoa các loại, trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính chiếm hơn 50%, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/apos-che-lua-me-hoa-apos-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-1095065.html