Chế tài nào cho trường 'nội' gắn biển 'ngoại'?

Năm học mới lại bắt đầu và sau sự việc xảy ra tại Trường Gateway vừa qua, hiện tượng trường 'nội' gắn biển 'ngoại' tiếp tục là chủ đề bàn thảo của dư luận. Mục đích của sự mạo danh đã rõ, không ngoài ý đồ tạo ra sự ngộ nhận của xã hội để 'bán hàng' với mức học phí cao ngất ngưởng.

Vậy trách nhiệm pháp lý nào đặt ra đối với chủ thể của sai phạm? Vấn đề đang được các chuyên gia về giáo dục và pháp lý nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

Từ nỗi niềm phụ huynh

Cách đây mấy năm, cô em tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, nhất nhất phải cho cậu quý tử học ở Trường phổ thông quốc tế New... (Hà Nội), vì được quảng cáo đó là ngôi trường đẳng cấp, liên kết với một trường danh tiếng bên... Mỹ. Còn nhớ khi đó, mức học phí hơn trăm triệu đồng/năm cũng không làm cô bận tâm, chỉ vì muốn dành cho con điều tốt đẹp nhất, muốn chúng phải được học ở ngôi trường thương hiệu, đẳng cấp nước ngoài. Mãi sau, “trái đắng” mới lộ ra khi báo chí vào cuộc phanh phui ngôi trường này chẳng có gì là “quốc tế”, bởi lẽ toàn bộ chương trình học đều “made in Việt Nam”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành.

Chưa hết, ngôi trường liên kết bên Mỹ là trường “ma” (không có thật). Quản lý là người Việt, học sinh cũng toàn trong mấy phường gần đó, giáo viên ngoại quốc được thuê từ cánh “Tây ba lô” sang Việt Nam du lịch, không có bằng cấp chứng chỉ gì về ngành học mà họ đứng lớp. Vì thế mà chất lượng đào tạo cũng thật “giời ơi”. Tuy thế, chẳng có cơ quan chuyên môn nào vào thẩm định, đánh giá, cho đến khi một số phụ huynh tố giác từ phàn nàn của con...

Chia sẻ về chuyện cũ trên trang cá nhân, cô em tôi viết: “Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo có cánh, tin vào mấy người ngoại quốc đi lại trong phòng hội đồng trường khi đến tìm hiểu thông tin, nhất là tin vào mức học phí “trên giời” vì nghĩ “tiền nào - của ấy” mà mình đã sai lầm khi cho con học ở đó. Thời buổi này, sự gian dối đã tràn vào trường học, các mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu thật đầy đủ thông tin về ngôi trường nào mang danh “quốc tế” dự định cho con theo học, để tránh tiền mất tật mang như mình”.

Nói về hiện tượng trường “nội” đeo biển “ngoại” trong thời gian qua, bà Đào Kim Hoa (giáo viên Trường THCS Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Từng giúp một người bạn thành lập trường tư thục nên tôi biết, các cơ quan chức năng vẫn cho phép nhà trường để tên thương hiệu (thường gắn ở cổng, trong đề án xin phép thành lập trường), cùng với tên theo quyết định thành lập. Điều này được các trường tư thục khai thác triệt để, thoải mái gắn chữ “quốc tế” để lòe phụ huynh, để tạo ra sự ngộ nhận đó là tên trường mang đẳng cấp nước ngoài.

Nội hàm chữ “quốc tế” rất rộng, nếu bị chất vấn thì có thể lý giải trường dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, hoặc có giáo viên quốc tế, hoặc kết hợp với đối tác nước ngoài, hoặc sử dụng các chương trình giáo dục nước ngoài... Hơn nhau cách giải thích, lại chẳng có ai thẩm định, pháp luật hiện vẫn để ngỏ vấn đề này. Bởi vậy mà tình trạng mập mờ đã kéo dài trong nhiều năm”.

Vẫn theo bà Hoa, sở dĩ các trường tư thục “nội” 100% nhưng lại gắn biển “quốc tế” là để đánh vào tâm lý sính ngoại, muốn con học trường chất lượng cao của phụ huynh. Những lời quảng cáo hoành tráng trên mạng, những fanpage, Facebook... mua like, mua view nhằm khuếch trương thương hiệu, thanh thế... đã dụ được khá nhiều người cả tin, đưa con tới xin học. Trường tiểu học Gateway là một trường hợp có yếu tố như vậy.

Phân khúc khách hàng của những trường “quốc tế” kiểu này thường là người giàu có nên mức học phí và các khoản thu khác luôn ở mức rất cao so với các trường “nội” với những cái tên hiền lành, trong khi chất lượng đào tạo cũng chỉ “the same” (tương tự - PV). Vì thế, để tìm hiểu chất lượng của một trường “quốc tế” dự kiến xin học cho con, theo bà Hoa, cần phải tham khảo ý kiến những người từng học tại đó về chất lượng đào tạo, thể hiện qua giáo trình học là tiếng Anh hay tiếng Việt, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học của nhà trường, trình độ của giáo viên (trong nước và nước ngoài)...

Một số trường gắn mác “quốc tế” tại Hà Nội.

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho hay, tính đến thời điểm này tại Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế, xét theo quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”. Việc một số trường tư thục đưa thêm chữ “quốc tế” vào tên để thu hút phụ huynh chọn trường cho con, đó là hành động sai trái, cần phải xử lý.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ rà soát và công bố danh tính các trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài để người dân biết khi chọn trường, những trường mạo danh sẽ bị xử phạt. Được biết, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau sự cố tại trường Gateway, một loạt trường “quốc tế” tại Hà Nội đã “lặng lẽ” trở lại với tên trường trong quyết định thành lập. Chẳng hạn, các trường như: Mầm non quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (Hà Đông); Trường quốc tế Alaska ở Cầu Giấy, Trường quốc tế Việt - Hàn... cũng đã tự gỡ bỏ danh xưng “quốc tế”. Bản thân website của Trường Gateway Hà Nội đã thay đổi từ “quốc tế” thành Trường tiểu học và THCS Gateway.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Tính đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa hề có quy định về trường “quốc tế” nên việc đánh giá hiện tượng trường “nội” đeo biển “ngoại” có sai phạm hay không đang là vấn đề gây tranh cãi. Cũng vì luật chưa quy định nên nội hàm khái niệm “trường quốc tế” vẫn được giải thích theo ý hiểu khác nhau của các chuyên gia giáo dục.

Chẳng hạn, TS Hoàng Ngọc Vinh, (nguyên Vụ trưởng - Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường quốc tế phải có học sinh quốc tế, giáo viên quốc tế; có cơ sở tại nhiều nước, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia; văn bằng, chứng chỉ cũng phải được các nước công nhận.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến - (nguyên Phó Vụ trưởng Bộ GD&ĐT) giải thích: “Các trường quốc tế phải đáp ứng được 3 tiêu chí gồm: trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau để học sinh có thể chuyển tiếp ra nước ngoài học hoặc thi lên trình độ cao hơn; chương trình phải được nhiều quốc gia công nhận; quy định về ngôn ngữ dạy học bằng ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp...”.

Ths. Nguyễn Cao Cường (Đại học Quốc gia) cho biết: “Trên thực tế, những trường thường đeo biển “quốc tế” gồm 3 dạng: một là, có 100% vốn nước ngoài đầu tư, hầu như chỉ dạy con em của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Hai là, trường do doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư, dạy chương trình của Bộ GD&ĐT và lấy bằng Việt Nam nhưng dạy thêm chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh. Ba là, trường ngoài công lập, do người Việt Nam thành lập, dạy chương trình của Bộ GD&ĐT và có thể dạy thêm chương trình khác bằng tiếng Anh để lấy các chứng chỉ quốc tế hoặc dạy nhiều giờ tiếng Anh hơn...”.

Nhận xét về hiện tượng các trường gắn mác “trường quốc tế” ngoài 3 trường hợp kể trên, ông Cường cho rằng đó là hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, hẳn nhiên là phạm luật. Bởi vì khái niệm “quốc tế” ở đây không phải là tên riêng mà là một thuật ngữ định danh loại hình, chỉ được phép sử dụng danh xưng này nếu trường đó liên quan đến nước ngoài, được thể hiện rõ trong hồ sơ cấp phép thành lập.

Mặc dù trong Luật Giáo dục hiện hành không có loại hình trường quốc tế nhưng nếu việc gắn mác “quốc tế” là gian dối vì mục tiêu vụ lợi (quảng cáo sai sự thật để tăng sức hấp dẫn, tạo sức hút đối với xã hội, phụ huynh, học sinh trên cơ sở nhầm lẫn)... nhằm thu học phí cao thì đó là vi phạm pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng, cần xử lý theo các quy định tương ứng. Hiện nay thẩm quyền xử lý sai phạm trong hoạt động quảng cáo thương hiệu thuộc về ngành văn hóa.

Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) tán thành quan điểm trên và đánh giá việc mạo danh “trường quốc tế” về bản chất là hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng. Ông phân tích: “Theo Khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo 2018 thì hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Luật sư Đỗ Quốc Quyền - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Do đó, có thể áp dụng Điểm b, Khoản 5, Điều 51, Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, để xử phạt đối với hành vi gắn biển “trường quốc tế” không đúng theo quyết định thành lập trường, với số tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Nếu chủ thể vi phạm trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015”.

Với cách tiếp cận khác, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc gắn biển trường “quốc tế” là không phạm luật nếu cụm từ đó được dùng như một danh từ riêng. Ông nói: “Tôi cho rằng việc đặt tên trường quốc tế là việc bình thường, không vi phạm luật, bởi vì chữ “quốc tế” cần phải hiểu là được dùng như một tên riêng. Ví dụ, một trường lấy tên là “Trường quốc tế X”, thì cụm từ “quốc tế X” là tên riêng của trường đó”.

Danh phải chính thì ngôn mới thuận

Kiến nghị về việc siết chặt quản lý việc xưng danh của các cơ sở đào tạo, tránh ngộ nhận của người dân, Ths Nguyễn Cao Cường nói: “Trước tiên, cần bổ sung các quy định mới, xác định rõ các tiêu chí để phân loại, định danh các cơ sở đào tạo trên nguyên tắc tên gọi phải đúng với bản chất, tránh việc để phụ huynh bị nhầm lẫn.

Mặt khác, cần quy định trách nhiệm công khai, minh bạch việc thực hiện các tiêu chí nhà trường để phụ huynh, học sinh có thể tham gia kiểm soát và giám sát được. Khi đã có quy định cụ thể thì thanh tra chuyên ngành và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có.

Việc rà soát, kiểm tra cần tiến hành bằng cách đối chiếu giữa hồ sơ thành lập nhà trường với thực tế thông tin đưa ra với công chúng, giữa các cam kết của nhà trường về tiêu chí chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên, dịch vụ giáo dục với thực tế”.

Vẫn theo ông Cường, rõ ràng hành vi treo biển “quốc tế” sai bản chất của các trường, là cố ý không chấp hành đúng quy định của cơ quan quản lý. Về nguyên tắc, tên gọi của cơ sở giáo dục phải do cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, việc dùng 2 tên trường không thống nhất là biểu hiện gian dối, “lập lờ đánh lận con đen” chứ không phải không sai vì chưa có luật.

“Tại sao khi sự cố ở Trường Gateway xảy ra, báo chí vào cuộc phanh phui sự mạo danh thì ngành chủ quản mới lên tiếng? Ở đây có thể thấy sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng hoặc giả vấn đề loạn danh xưng hay danh xưng không đúng bản chất... đã không được xem là chuyện nghiêm trọng? Theo tôi, đây không đơn giản chỉ là chuyện cái tên mà là sự giả dối đang xâm lấn môi trường giáo dục. Một cái tên sai sẽ tạo ra sự nhầm lẫn của xã hội và thiệt hại bắt nguồn từ đó” - ông Cường nhận xét.

P.V (Theo CAND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/171770/che-tai-nao-cho-truong-%E2%80%9Cnoi%E2%80%9D-gan-bien-%E2%80%9Cngoai%E2%80%9D