Chế tài xử lý hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả

Chuyên gia pháp lý cho rằng, ngoài xử lý hành chính hành vi sản xuất hoặc buôn bán giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự.

Từ vụ thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD có dấu hiệu bị giả mạo:

Lô sản phẩm thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu bị công an thu giữ (Ảnh: Công an quận Bắc Từ Liêm cung cấp)

Lô sản phẩm thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu bị công an thu giữ (Ảnh: Công an quận Bắc Từ Liêm cung cấp)

Sản phẩm OVISURA GOLD có dấu hiệu bị giả mạo?

CA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang tiến hành điều tra, xác minh tin báo có dấu hiệu “Sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD", xảy ra tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Quá trình điều tra xác định, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế ALPHABET MYERS WALMART AMERICAN, địa chỉ tại đội 2, thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD. Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định trưng cầu giám định chất lượng thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Tại kết luận giám định chất lượng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thể hiện, sản phẩm thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD có các chỉ tiêu không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Đặc điểm sản phẩm: thực phẩm bổ sung OVISURA GOLD, khối lượng hộp 650g, lô sản xuất: 15012024, ngày sản xuất: 15/1/2024, hạn sử dụng: 15/1/2026, sản xuất tại: Công ty TNHH Đầu tư quốc tế ALPHABET MYERS WALMART AMERICAN.

CA quận Bắc Từ Liêm đề nghị cơ quan báo chí đăng tin, thông báo để ai là người đã mua hoặc sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung OVSURA GOLD có đặc điểm nêu trên thì đến Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Bắc Từ Liêm, liên hệ với đồng chí Võ Minh Cường, điều tra viên thụ lý theo số điện thoại: 0976030412.

Theo Báo Công thương, toàn bộ lô thực phẩm bổ sung nhãn hiệu OVISURA GOLD đang bị thu giữ được Công ty TNHH Đầu tư quốc tế ALPHABET MYERS WALMART AMERICAN ký hợp đồng sản xuất với Công ty TNHH Dược phẩm Công nghệ cao Minh Chung, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Lương Sơn, Khu tái định cư thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Theo phản ánh, ngoài sản phẩm OVISURA GOLD, Công ty TNHH Dược phẩm Công nghệ cao Minh Chung còn bị tố có liên quan tới nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa của một số doanh nghiệp khác. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh thông tin về danh sách gồm hàng chục sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Trong số sản phẩm bị tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, chủ yếu là các sản phẩm sữa hạt, sữa non.

Một số sản phẩm trong danh sách đã được cơ quan công an mang đi giám định, xác định xâm phạm nhãn hiệu của một số doanh nghiệp khác. Những sản phẩm còn lại đang tiếp tục được cơ quan điều tra xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Bắc Từ Liêm tiếp tục làm rõ.

Chế tài xử phạt?

Pháp luật quy định chế tài xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả như thế nào? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội giải đáp: hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo trật tự kinh doanh trên thị trường.

Cụ thể, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này quy định, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Mức phạt tiền cao nhất đối với hai hành vi này là 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các hành vi trên còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, ngoài mức phạt tiền, các cơ sở có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động sản xuất. Đồng thời buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả.

“Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Do đó, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 192, Bộ luật Hình sự thực định quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” như sau: người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp: sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên; gây tử vong cho 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Còn Điều 226, Bộ luật này quy định về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” như sau: người thực hiện hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam và hành vi này liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp: người vi phạm đã phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo giới thiệu trên ovisure.com.vn, OVISURE GOLD – Sữa hạt xương khớp từ đạm thực vật chất lượng cao, là giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho mọi nhu cầu của người sử dụng. Sản phẩm này phù hợp cho những người có lối sống lành mạnh, yêu thích thực phẩm từ tự nhiên, người bất dung nạp lactose hoặc dị ứng đạm từ sữa, người ăn chay hay người không thích vị sữa.

Sản phẩm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, hương ngũ cốc thơm ngon với phức hợp đạm thực vật từ hạt hạnh nhân, đậu nành và gạo cùng dưỡng chất Univestin tạo nên OVISURA GOLD tuyệt vời.

Sản phẩm OVISURA GOLD không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/che-tai-xu-ly-hanh-vi-buon-ban-san-xuat-hang-gia-392694.html