Chế tạo thiết bị sấy đông trùng hạ thảo
Đề tài: "Thiết kế, chế tạo thiết bị sấy thăng hoa sấy đông trùng hạ thảo" do Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc (bộ môn Kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu cấp cơ sở. Đây là bước đầu để hoàn thiện quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo khô, tạo tiền đề để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc, phương pháp sấy thăng hoa hay sấy đông khô có nhiều ưu điểm nổi bật, như: Lưu giữ được các tính chất ban đầu của sản phẩm, không gây tổn thất các vitamin, hình dạng và cấu trúc của sản phẩm ít bị biến đổi... Do đó, phương pháp này được ứng dụng rộng rãi trong chế biến bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm có giá trị cao, như: Dược phẩm, thực phẩm chức năng (đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa, tổ yến…). Tuy nhiên, các dòng máy sấy thăng hoa trên thị trường thường có giá thành cao và khó điều khiển, khó kiểm soát các thông số chế độ sấy một cách chính xác nên không phù hợp với mục đích nghiên cứu chuyên sâu. Chính vì vậy, nhóm giảng viên của trường đã nghiên cứu, chế tạo một thiết bị phù hợp để sấy đông trùng hạ thảo.
Từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023, nhóm giảng viên Khoa Cơ khí gồm: Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc và Tiến sĩ Lê Như Chính đã hoàn thiện và đưa thiết bị vào hoạt động. Thiết bị bao gồm các bộ phận chính như: Buồng thăng hoa dung tích 0,38m3; hệ thống lạnh; tấm gia nhiệt công suất 500W, bơm hút chân không công suất 550W, bơm chất tải lạnh 400W… Ngoài ra, nhiệt độ và áp suất được giám sát, điều khiển bằng phương pháp PID (bộ điều chỉnh sai số) để đảm bảo duy trì ổn định các thông số của chế độ sấy phù hợp với nhiều sản phẩm khác nhau. Kết quả ban đầu của quá trình sấy thực nghiệm đông trùng hạ thảo và tôm thẻ thu được sản phẩm có chất lượng rất tốt. Đông trùng hạ thảo khô hình dạng, kích thước, màu sắc hầu như không thay đổi so với trước khi sấy; sản phẩm có vị đặc trưng của đông trùng hạ thảo tươi, sợi giòn nhưng không bị gãy nát. Sản phẩm tôm khô thu được không thay đổi so với trước khi sấy, cấu trúc mềm và xốp, sợi cơ dai, có vị ngọt... Điều này cho thấy hiệu quả của thiết bị này tương đối tốt, phù hợp để sấy các loại nông sản và thủy sản có giá trị cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, thiết bị có nhiều chế độ sấy phù hợp với đông trùng hạ thảo và nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Việc chế tạo thành công thiết bị này là cơ sở ban đầu để hoàn thiện quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo khô; tạo tiền đề để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về sấy thăng hoa, đặc biệt là sấy đông trùng hạ thảo. Thiết bị được chuyển giao cho Phòng thí nghiệm nhiệt lạnh, Trường Đại học Nha Trang, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, thực hành, thực tập của cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh của nhà trường…
V.L