Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết sau cuộc thử nghiệm trên biển vào tháng 8, tàu sân bay INS Vikrant dự kiến được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022.
Trước đó truyền thông Trung Quốc từng nhiều lần coi thường tàu sân bay nội địa Ấn Độ, họ cũng đã liệt kê nhều kỷ lục của tàu sân bay INS Vikrant như có thời gian đóng lâu nhất, sử dụng tạp nham công nghệ nhiều nước khiến khó đồng bộ... Việc thử nghiệm và hoàn thiện tàu sân bay INS Vikrant là tin đáng mừng cho hải quân Ấn Độ.
Các chuyên gia cho biết tàu sân bay INS Vikrant sẽ giúp Ấn Độ phát huy sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.
Hiện Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay thứ ba và là tàu sân bay đầu tiên của nước này. Chính vì thế, việc nâng cao sức mạnh hải quân bằng việc biên chế thêm tàu sân bay sẽ giúp Ấn Độ tự tin trước sức mạnh của đối thủ láng giềng.
Chính phủ Ấn Độ mô tả tàu sân bay INS Vikrant là “tài sản mạnh nhất trên biển, vũ khí quân sự không thể so sánh được”.
Tàu sân bay mới sẽ vận hành các tiêm kích trên hạm MiG-29K, trực thăng Ka-31 nhập khẩu từ Nga, trực thăng đa năng MH-60R của Mỹ và trực thăng hạng nhẹ sản xuất trong nước.
Ông Ben Ho, nhà phân tích hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, cho biết, tàu sân bay mới sẽ cung cấp cho New Delhi nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cuộc khủng hoảng tiềm tàng với Bắc Kinh.
“Việc có một hạm đội tàu sân bay lớn hơn sẽ tạo ra chiến lược hàng hải mạnh mẽ và tự tin hơn. Điều này giúp chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương, khu vực vốn là sân sau của Ấn Độ”, nhà phân tích Ho nói.
Ông Yogesh Joshi, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng tàu sân bay INS Vikrant sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân và khả năng tấn công của Ấn Độ.
Tàu sân bay INS Vikrant có chiều dài 262 m, chiều rộng lớn nhất 62 m, mớn nước 8,4 m, lượng choán nước đầy tải 45.000 tấn. Tàu sử dụng nhiều công nghệ của các nước trong đó có Anh, Nga, Hà Lan, Israel.
Tàu có thể mang theo tối đa 40 máy bay các loại, trong đó có 26 tiêm kích trên hạm MiG-29, 10 trực thăng.
Việc tàu sân bay INS Vikrant được hoàn thiện là một bằng chứng về sức mạnh công nghệ của Ấn Độ. Chính phủ nước này cho biết 75% con tàu có nguồn gốc trong nước, từ thiết kế, đến thép, vũ khí và cảm biến quan trọng.
Nhiều người trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ tin rằng nước này quá phụ thuộc vào tàu sân bay duy nhất, đặc biệt là khi họ mở rộng sự hợp tác với các lực lượng hải quân trên thế giới.
Gần đây, Ấn Độ đã mở rộng các cuộc tập trận hải quân với các nước Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Hôm 27/6, Hải quân Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc ở biển Hoa Đông. Trước đó, họ có cuộc tập trận kéo dài 2 ngày với tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ.
Sắp tới, Hải quân Ấn Độ sẽ có cuộc tập trận thường niên với Hải quân Hoàng gia Anh, cũng như một số cuộc tập trận khác dọc theo bờ biển châu Phi và châu Âu.
Ông RS Vasan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Chennai, cho biết, việc mở rộng quy mô các cuộc tập trận đa phương đã củng cố nhu cầu về tàu sân bay thứ 2 của phía Ấn Độ.
“Giải pháp tốt nhất là nên có 2 tàu sân bay trên mỗi hai bờ biển, điều này đặc biệt phù hợp khi Ấn Độ có hai đối thủ chính là Trung Quốc ở phía đông và Pakistan ở phía tây”, ông Vasan nói.
“Điều mà nhiều người không nhận ra là một tàu sân bay cho phép các phi công bay xa hơn trong các nhiệm vụ giám sát. Các phi công hải quân có thể xác định tàu chiến đối phương tốt hơn các phi công của không quân”, ông Vasan nói.
Việc mở rộng khả năng giám sát của Ấn Độ đã trở nên đặc biệt quan trọng, khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Tháng 12/2019, một tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi vùng biển Ấn Độ.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, vì vậy việc tăng cường các khí tài cực mạnh trong đó có tàu sân bay sẽ giúp New Delhi tự tin trước đối thủ tiềm tàng Bắc Kinh.
Việt Hùng