Checkmate khiến đối thủ bất ngờ bằng đòn ngoài tầm đánh chặn

Theo Rostec, tiêm kích tàng hình hạng nhẹ Checkmate do United Aircraft Corporation (UAC) phát triển có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào một cách bất ngờ.

Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec cho biết khi nói về những khả năng đặc biệt của tiêm kích tàng hình một động cơ thế hệ mới của UAC - một phần của Rostec.

"Chiến đấu cơ tàng hình một động cơ Checkmate được trang bị vũ khí đa năng để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào bao gồm: từ các sở chỉ huy bí mật đến các mục tiêu nhạy cảm của kẻ thù", Rostec tiết lộ.

Tiêm kích tàng hình Checkmate.

Tiêm kích tàng hình Checkmate.

Nguồn tin này cho biết thêm, Checkmate có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần xâm nhập vào khu vực phòng không của đối phương.

"Điều quan trọng là máy bay có khả năng hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào bên ngoài khu vực hoạt động của vũ khí phòng không, do đó có thể cứu mạng phi công và khiến đối thủ bị bất ngờ", Rostec cho biết thêm.

Giới quân sự Nga cho rằng, đây chính là ưu thế lớn của tiêm kích Checkmate so với chiến đấu cơ đắt đỏ F-35 của Mỹ. Ngoài ra, tiêm kích Nga còn có lợi thế lớn về khả năng linh hoạt.

Tính linh hoạt tạo lợi thế lớn cho máy bay Checkmate. Trong khi cả 2 tiêm kích đều được thiết kế có đặc tính tàng hình, nhưng radar công nghệ quét mảng pha điện tử (AESA) của Checkmate được cho là có tầm bao phủ rộng hơn so với F-35.

Điều này có nghĩa là tiêm kích của Nga có thể nhìn thấy đối thủ trước, nhờ đó chiếm thế thượng phong trong chiến đấu. Trong không chiến, ai phát hiện đối thủ trước thường sẽ có cơ hội đánh bại đối thủ cao hơn.

Nhà sản xuất Nga cho biết, hệ thống radar của Checkmate có khả năng theo dõi tới 6 mục tiêu cùng lúc ngay cả khi ở trong tình trạng bị can thiệp điện tử mạnh và nó có thể hoạt động song song với hệ thống tác chiến điện tử của máy bay.

Điều quan trọng không kém là những loại vũ khí mà phi công có trong tay để bắn hạ đối phương. Checkmate có thể được trang bị tên lửa không đối không siêu thanh R-37M hiện là tên lửa không đối không tầm xa nhất và có tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Kết hợp với hệ thống radar của máy bay, R-37M có thể khóa mục tiêu đang bay với tốc độ Mach 6 ở cự ly 400km. Trong khi đó, F-35 thường mang 4 tên lửa radar dẫn đường tầm trung AIM-120 AMRAAM; hoặc có thể mang 6 tên lửa AIM-120 nếu được trang bị thêm giá treo.

Tên lửa AIM-120 có thể đạt tốc độ Mach 4 và có tầm bắn tối đa 180km. Điều này có nghĩa là dù có phát hiện đối phương sớm, khả năng bắn hạ mục tiêu của F-35 cũng vẫn bị hạn chế do tầm bắn của vũ khí mà tiêm kích này mang theo.

Tiêm kích Checkmate có phạm vi chiến đấu trong khoảng bán kính 1.500km còn F-35 là 1.093km. Xét về tốc độ tối đa, Checkmate có thể đạt tốc độ Mach 1,8 trong khi F-35 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,6.

Nhưng điểm mấu chốt ở chỗ, khi ở độ cao cực lớn, F-35 chỉ có thể bay với tốc độ siêu âm trong một khoảng thời gian ngắn, nếu quá ngưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ tổn thất về cấu trúc và mất khả năng tàng hình.

Với thế mạnh của mình, lực lượng trang bị Checkmate hứa hẹn sẽ mang đến cho đối thủ những điều bất ngờ khó có thể lường trước.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/checkmate-khien-doi-thu-bat-ngo-bang-don-ngoai-tam-danh-chan/20211121101715272