Chém đứt tay vợ, chồng đối diện hình phạt nào

Luật sư cho biết người chồng có thể đối diện mức án 7-14 năm tù nếu tỷ lệ thương tật của vợ từ 61% trở lên. Quá trình điều tra, cảnh sát sẽ xem xét các tình tiết giảm nhẹ (nếu có).

Ngày 15/9, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tạm giữ Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành) để điều tra về việc chém vợ đứt lìa cẳng tay phải và gần đứt khuỷu tay trái. Sau khi gây án, Bình đã nhờ người thân đưa vợ đi cấp cứu, rồi đến cơ quan công an đầu thú.

Hiện, chị T. đã qua cơn nguy kịch, cánh tay đã được nối. Tuy nhiên, do tâm lý bị ảnh hưởng, nạn nhân chưa thể làm việc với cán bộ điều tra.

Với hậu quả gây ra, người chồng sẽ bị xử lý thế nào? Việc anh ta chủ động đến cơ quan công an trình diện có phải tình tiết giảm nhẹ?

Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Dựa vào những thông tin ban đầu, có thể nhận định rằng người chồng đã phạm tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân sẽ được tính theo Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đối với một bên cẳng tay bị đứt lìa, căn cứ Chương 7 Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích, tỷ lệ thương tật đối với bộ phận này sẽ khoảng 51-60%. Đối với nhát cắt ở khuỷu tay trái, vết thương tuy đã nối lại được nhưng việc hoạt động cẳng tay và cổ tay có thể bị hạn chế dẫn nên tỷ lệ thương tật rơi vào khoảng 11-15%, theo mục IV Chương 7 của Bảng 1 Thông tư 22/2019/TT-BYT.

Như vậy, tổng tỷ lệ thương tật của nạn nhân có thể ở mức hơn 60%. Theo quy định hiện hành, nếu thương tật từ 61% trở lên, Bình sẽ bị xử lý theo điểm d Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tù 7-14 năm tù. Còn nếu kết quả giám định thương tật của người vợ trong khoảng 31-60%, nghi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm c Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có mức phạt tù 5-10 năm tù.

Về tình tiết giảm nhẹ, Bình sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì sau khi tấn công vợ đã đến cơ quan công an đầu thú, theo Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cũng theo điều luật này, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người chồng thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải và chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nạn nhân thì cũng được xem xét giảm nhẹ chế tài hình sự

Luật sư cũng đề cập trường hợp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân xảy ra vụ án là do người vợ ngoại tình, còn người chồng phải chịu sự đả kích quá lớn từ vợ hoặc bên thứ ba (người tình của vợ). Lúc này, người chồng có thể được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ khác vì bị hại cũng có lỗi.

Thùy Dung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chem-dut-tay-vo-chong-doi-dien-hinh-phat-nao-post1355851.html