Chén rượu ngày Xuân gây nguy hiểm khi dùng chung với thuốc như thế nào?
Mối nguy do tương tác thuốc với rượu được nhắc đến rất nhiều nhưng thường bị bỏ quên trong những bữa tiệc mừng năm mới. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người đang uống thuốc điều trị các bệnh mạn tính....
Trong những ngày Tết cổ truyền, chén rượu mừng Xuân là không thể thiếu trên các bàn tiệc. Tuy nhiên, nét văn hóa này lại có thể gây nguy hiểm cho một số người đang uống thuốc điều trị các bệnh mạn tính. Bởi sự kết hợp này có thể gây ra tương tác thuốc có hại cho sức khỏe của người bệnh.
Rượu làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc, dẫn đến nồng độ thuốc trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng độc hại. Một số thuốc trở nên cực nguy hiểm khi uống cùng với rượu:
1. Tương tác thuốc chống trầm cảm với rượu có thể gây tăng huyết áp đột ngột
Thuốc chống trầm cảm đặc biệt là thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) như tranylcypromine và phenelzine, có thể khiến huyết áp tăng đột ngột khi kết hợp với tyramine, một loại acid amin có trong rượu vang đỏ và bia. Khi uống với rượu có thể làm tăng nguy cơ quá liều thuốc và tăng các tác dụng phụ của thuốc khiến người bệnh mệt mỏi hơn, buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm khả năng kiểm soát và phối hợp vận động, khó thở, tổn thương tim.
Thuốc chống trầm cảm không nên uống với rượu bao gồm: Sertraline, bupropion, fluoxetine/olanzapine, paroxetin, desvenlafaxine, duloxetine…
2. Thuốc trị bệnh đái tháo đường + rượu gây hạ đường huyết
Việc uống rượu với các thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu thấp, huyết áp thay đổi đột ngột, nhịp tim nhanh, đau đầu, buồn nôn và nôn. Do đó, người bệnh đang điều trị đái tháo đường với các thuốc chlorpropamide, metformin, glipizide, glyburide, glibenclamide, tolbutamide, tolazamide… không nên uống rượu.
3. Thuốc kháng histamin + rượu gây buồn ngủ quá mức
Thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ và chóng mặt. Rượu cũng gây ra các triệu chứng này, khi kết hợp cùng nhau có thể gây buồn ngủ, chóng mặt quá mức, khiến người bệnh giảm khả năng phán đoán, phối hợp và phản ứng chậm hơn. Không những thế, sự kết hợp giữa rượu và thuốc kháng histamin điều trị cảm lạnh/dị ứng còn làm tăng nguy cơ quá liều thuốc.
Tốt nhất nên tránh uống rượu khi đang dùng các loại thuốc: Diphenhydramine, claritin, loratadine, brompheniramine, cetirizin…
4. Thuốc trị tăng huyết áp
Thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp (lisinopril, amlodipine, hydrochlorothiazide, clonidine…) có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, buồn ngủ quá mức, loạn nhịp tim hoặc các vấn đề về tim khác khi uống cùng với rượu.
5. Thuốc trị mất ngủ
Thuốc điều trị mất ngủ và rượu đều có tác dụng an thần, do đó khi dùng đồng thời có thể làm tăng tác dụng an thần, khiến bạn chậm chạp, suy giảm khả năng kiểm soát vận động, thở chậm, thậm chí ngất xỉu (nếu nghiêm trọng). Không những thế, khi kết hợp rượu với thuốc trị mất ngủ có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, làm giảm tác dụng của thuốc ngủ.
Do đó nên tránh uống rượu khi đang uống các thuốc:Zolpidem, eszopiclone, temazepam, doxylamine, estazolam, diphenhydramine…
Rượu làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc, dẫn đến nồng độ trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng độc hại.
6. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau khi dùng đồng thời với rượu có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, cụ thể:
- Uống rượu với thuốc giảm đau cơ (như cyclobenzaprine, carisoprodol) có thể làm tăng nguy cơ co giật, quá liều và gây khó thở.
- Uống rượu với thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen, ibuprofen, naproxen và acetaminophen kết hợp với aspirin có thể gây đau dạ dày, chảy máu, loét dạ dày, tổn thương tim hoặc gan.
- Kết hợp rượu với thuốc giảm đau mạnh như oxycodone, hydrocodone, meperidine, propoxyphen... để điều trị cơn đau dữ dội có thể gây buồn ngủ và chóng mặt, khó thở, vấn đề về trí nhớ và làm tăng nguy cơ quá liều thuốc.
7. Thuốc chữa ợ nóng và buồn nôn
Các loại thuốc giúp làm dịu dạ dày khỏi chứng ợ nóng và buồn nôn có thể tương tác với rượu. Việc kết hợp các thuốc này với rượu có thể gây nhịp tim nhanh, huyết áp thay đổi đột ngột, làm tăng nguy cơ quá liều và tăng tác dụng của rượu.
Tránh uống rượu nếu đang dùng các thuốc: Dimenhydrinate, meclizine, cimetidine, metoclopramide...
8. Thuốc điều trị cholesterol
Sự kết hợp rượu với thuốc điều trị cholesterol có thể gây tổn thương gan, đỏ bừng, ngứa và chảy máu dạ dày. Nên tránh uống rượu cùng với các thuốc: Atorvastatin, simvastatin, lovastatin, vytorin (ezetimibe và simvastatin), niacin, pravastatin.
9. Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD) là nhóm thuốc làm tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, trong khi đó rượu có tác dụng an thần. Khi dùng đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ quá liều thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị chóng mặt, suy giảm khả năng tập trung, tổn thương gan và các vấn đề về tim.
Không nên uống rượu với các thuốc: Amphetamine, dextroamphetamine, dexmethylphenidate, methylphenidate, atomoxetine, lisdexamfetamine.
10. Thuốc chống động kinh
Kết hợp rượu với thuốc chống động kinh có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng: Chóng mặt, buồn ngủ, hành vi bất thường, thay đổi trạng thái sức khỏe tâm thần (bao gồm cả ý nghĩ tự tử) và tăng nguy cơ co giật nhiều hơn.
Không kết hợp rượu với các thuốc sau: Gabapentin, phenytoin, levetiracetam, phenobarbital, clonazepam, pregabalin, lamotrigine, carbamazepin, topiramate…
11. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh khi kết hợp với rượu có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, như tổn thương gan, đau dạ dày, nôn mửa, đỏ mặt, nhịp tim nhanh và hạ huyết áp đột ngột. Các loại thuốc bao gồm: Azithromycin, cephalosporin, tinidazole…
Ngoài ra, một số thuốc điều trị cục máu đông, đau thắt ngực, viêm khớp, thuốc điều trị tuyến tiền liệt… cũng có thể gây tương tác nguy hiểm khi dùng cùng với rượu.
Để tránh tương tác thuốc với rượu, nên thực hiện:
- Trao đổi với bác sĩ về tính an toàn khi kết hợp rượu và thuốc.
- Đọc kỹ hướng dẫn và cảnh báo trước khi dùng thuốc: Luôn kiểm tra nhãn thuốc để biết cảnh báo về tương tác thuốc với rượu và làm theo hướng dẫn.
- Hạn chế uống rượu ở mức thấp nhất có thể để giảm thiểu rủi ro tương tác thuốc.
- Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi uống rượu và thuốc đồng thời, cần báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.