'Chênh vênh' đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh
Chưa tới 20 ngày, có 3 văn bản khác nhau được ban hành liên quan tới điều chỉnh nơi đăng ký thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này chưa thể hiện sự thống nhất cao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia thẻ BHYT.
New Page 1
Không còn tự lựa chọn bệnh viện?
Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh, trong nhiều năm, người dân đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại Bệnh viện đa khoa An Phước. Đến nay, người dân không được tiếp tục đăng ký như thế tại bệnh viện này nữa, mà phải đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cơ sở điều trị khác thuộc hạng 3, như Trung tâm Y tế Phan Thiết, bệnh viện hạng 3 hoặc phòng khám đa khoa. Với lời giải thích là có quy định mới, dù biết rằng người dân chịu trả khoản chênh lệch tại bệnh viện tư nhân để hưởng dịch vụ nhanh, tiện lợi… sau khi trừ chi phí BHYT. Điều này làm mất quyền lợi của người tham gia BHYT.
Song song đó, Bệnh viện đa khoa An Phước thông báo rằng: “Những năm qua, Sở Y tế và BHXH tỉnh đồng ý tất cả nhóm đối tượng trên toàn tỉnh được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa An Phước. Hiện nay thực hiện Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế, Sở Y tế và BHXH tỉnh đang điều chỉnh nơi đăng ký thẻ BHYT KCB ban đầu. Do đó, người dân tham gia BHYT chưa được đăng ký KCB tại Bệnh viện đa khoa An Phước. Việc cấp, phát hành, phân phối thẻ BHYT về cơ sở nào là do Sở Y tế và BHXH tỉnh quyết định. Mọi thắc mắc khi mua, gia hạn, đổi thẻ, quý khách vui lòng liên hệ Sở Y tế và BHXH tỉnh”.
Nguyên nhân trên là do Sở Y tế có Văn bản số 4401 (25/12/2020) quy định một số đối tượng tại TP. Phan Thiết được đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương. Đó là nhóm 1 do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng (là cán bộ hưu trí, mất sức, trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp, người ốm dài ngày, cán bộ phường hưởng trợ cấp từ BHXH); nhóm 2 do người lao động và sử dụng lao động đóng (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan hành chính, tổ chức nước ngoài, cán bộ công chức); nhóm 3 do ngân sách nhà nước đóng (đại biểu Quốc hội, HĐND, bảo trợ xã hội, thân nhân công an…).
Trong vòng 12 ngày sau, Sở Y tế lại có Văn bản số 66 (7/1/2021) quy định một số đối tượng tại TP. Phan Thiết chỉ còn nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng được đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương. Tuy nhiên, Sở Y tế đề nghị BHXH tỉnh tiếp tục giữ nguyên nơi đăng ký KCB ban đầu với các đối tượng tại Phan Thiết đã đăng ký KCB BHYT tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương khi gia hạn thẻ BHYT, cho đến khi thực hiện điều chỉnh nơi đăng ký KCB ban đầu của người tham gia BHYT.
Sau đó 1 tuần, BHXH tỉnh có Văn bản số 50 (14/1/2021) là các đối tượng tại Phan Thiết đã đăng ký KCB BHYT tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương trước ngày 31/12/2020, thì được BHXH tỉnh thực hiện gia hạn thẻ BHYT năm 2021, tiếp tục giữ nguyên nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu cho đến khi thực hiện điều chỉnh. Nghĩa là, nhóm người tại Phan Thiết gia hạn thẻ BHYT sau ngày 31/12/2020 sẽ không được tiếp tục đăng ký KCB BHYT tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương. Như vậy, chưa tròn 20 ngày, có 3 văn bản của 2 đơn vị cùng ban hành văn bản liên quan về điều chỉnh đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương theo quy định Thông tư 40 của Bộ Y tế. Mục tiêu là cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu phù hợp với tình hình thực tế, quy mô, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của từng cơ sở điều trị. Tuy nhiên, cả 3 văn bản chưa thể hiện sự thống nhất cao và xâu đầu mối về một đơn vị.
Ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT?
Theo ông Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước, các văn bản trên làm xáo trộn, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động bệnh viện, cũng như quyền lợi người tham gia BHYT. Chẳng hạn, nhân viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa An Phước cũng phải đăng ký Trung tâm Y tế Phan Thiết để KCB ban đầu, chứ không được đăng ký ngay tại nơi mình làm việc. Hơn thế nữa, Bệnh viện đa khoa An Phước là bệnh viện tư nhân, người tham gia thẻ BHYT là người có khả năng tài chính mới đăng ký và phải trả chênh lệch các khoản dịch vụ y tế. Trong khi nhiều năm nay, Bệnh viện đa khoa An Phước đang làm rất tốt về mặt giữ quỹ BHYT, uy tín với bệnh nhân ngày càng tăng. Riêng quý 4/2020, bệnh viện đạt được 86.000 thẻ BHYT. Các văn bản trên, dự báo, sẽ làm cho bệnh viện giảm khoảng 50.000 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu trong thời gian tới. Vô hình trung, số thẻ này sẽ dồn về đăng ký KCB ban đầu tại Trung tâm Y tế Phan Thiết.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2015, Sở Y tế và BHXH tỉnh có thống nhất để người dân tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện đa khoa An Phước. Thông thường, người có kinh tế khá giả mới đăng ký vào bệnh viện tư nhân. Thời điểm ấy, văn bản ban hành chưa chặt, chưa phù hợp với quy định của Thông tư 40. Trong khi tại thông tư yêu cầu đăng ký KCB BHYT ban đầu phải phù hợp với vị trí nơi ở, nơi làm việc, khả năng bệnh viện đó đáp ứng được. Chính vì không phù hợp mà người dân ở Tuy Phong, Hàm Tân cách xa gần 100 km cũng đăng ký vào bệnh viện này. Thêm vào đó, BHXH Việt Nam có 3 văn bản nhắc BHXH tỉnh đề nghị phải điều chỉnh sự việc trên và báo cáo trước ngày 15/2/2020. Sắp tới, BHXH tỉnh phối hợp Sở Y tế có lộ trình điều chỉnh dần số lượng thẻ đăng ký KCB BHYT ban đầu theo đúng Thông tư 40 và sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
Theo Sở Y tế, trong quý 1/2021, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh và các đơn vị liên quan thống nhất điều chỉnh nơi KCB BHYT ban đầu của người tham gia. Đồng thời, đảm bảo việc KCB cho người có thẻ BHYT tại các cơ sở y tế trong tỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo đúng quy định tại khoản 3, điều 13 của Thông tư 40/2015 - Bộ Y tế.
Được biết, một số cơ sở điều trị tuyến huyện và tương đương tại Phan Thiết hiện nay chưa thể đáp ứng KCB với một số lượng lớn thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở. Để cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu phù hợp với tình hình thực tế, quy mô, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của từng cơ sở điều trị, Sở Y tế phải khảo sát, đánh giá năng lực của từng cơ sở điều trị. Trên cơ sở đó, số lượng đầu thẻ BHYT KCB ban đầu sẽ được phân bổ một cách hợp lý, tránh tình trạng chỗ không đủ năng lực thì có quá nhiều thẻ; còn chỗ có đủ năng lực thì bị cắt giảm số đầu thẻ. Nếu sự điều chỉnh không phù hợp với tình hình thực tế, thì quyền lợi người tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng, và sẽ khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia mua BHYT.