'Chèo thuyền' ở 'Trường Sa cạn'
Tả Gia Khâu là xã nghèo thuộc huyện Mường Khương được ví như 'Trường Sa cạn' bởi sự xa xôi và những ngày trong năm thiếu nước cứ dài đằng đẵng. Thế nhưng, vượt lên bộn bề khó khăn, thầy cô giáo nơi đây vẫn miệt mài chèo lái 'con thuyền tri thức' đưa các thế hệ học sinh đến bến thành công.
“Mẹ hiền” của những “chồi non”
Điểm trường chính của Trường Mầm non Tả Gia Khâu nằm ở thôn Thải Giàng Sán vừa cao vừa xa. Để đến được điểm trường, chúng tôi phải vượt qua hơn 5 km đường bê tông nhỏ chạy dọc sườn núi. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, trung tâm xã Tả Gia Khâu chỉ tựa khoảng sân nhỏ. Thế nhưng, con đường vừa dốc, vừa xa này lại rất quen thuộc với cô giáo Lồ Ngọc Làn, Trường Mầm non Tả Gia Khâu, bởi ở nơi thôn cao này có những đứa con nhỏ ngày ngày chờ cô dạy bảo.
Cô giáo Lồ Ngọc Làn sinh ra, lớn lên ở thôn Tả Chu Phùng (xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương), nơi có 100% đồng bào Tu Dí sinh sống. “Ngày nhỏ, gia đình khó khăn nên bố mẹ tôi chưa quan tâm đến việc cho các con đi học mầm non. Tôi và đám trẻ trong thôn thường quây quần chơi đùa với nhau khi bố mẹ lên nương, đứa lớn hơn thì chăm sóc em nhỏ. Khi ấy, để các em nghe lời, chúng tôi thường chơi trò cô giáo, có lẽ lòng yêu nghề của tôi đã hình thành từ đó”, cô giáo Làn chia sẻ.
Nuôi dưỡng tình yêu nghề qua những buổi “dạy trẻ” từ thủa ấu thơ, cô giáo Làn đăng ký và thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Năm 2013, khi vừa tốt nghiệp, cô giáo Làn được phân công lên Trường Mầm non Tả Gia Khâu công tác. Sức trẻ và nhiệt huyết căng tràn, cô tình nguyện xin ban giám hiệu nhà trường đến dạy lần lượt tại 2 điểm trường Lao Tô và Vũ Xà. Đây là 2 thôn đặc biệt khó khăn, thường xuyên thiếu nước và cách điểm trường chính hơn 10 km, để đến được nơi làm việc, cô Làn chỉ có thể đi bộ. Ngày mới nhận công tác, cô Làn cũng như nhiều đồng nghiệp khác gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thiếu thốn. Ngoài ra, giao thông cũng là trở ngại không lớn, có những hôm, các cô đi bộ đến nhà để vận động học sinh từ sáng sớm và trở về điểm trường khi trời đã tối mịt. “Khó khăn là vậy, nhưng tôi vẫn rất vui, bởi đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con về việc cho con em đến trường. Giờ đây, tỷ lệ chuyên cần của Trường Mầm non Tả Gia Khâu luôn đạt trên 98%”, cô Làn chia sẻ.
Trong câu chuyện với cô giáo trẻ Lồ Ngọc Làn, tôi khá ấn tượng bởi dù đang mang bầu ở những tháng cuối thai kỳ, nhưng dịp 30/4 và 1/5 cô vẫn tích cực cùng đồng nghiệp đi bộ đến từng nhà ở thôn La Hờ cách hàng chục km để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con ra lớp. Chưa một lần sinh con, nhưng cô Làn rất thuần thục cách chăm sóc trẻ, từ chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các con, giúp các con giữ vệ sinh, dạy các con vui chơi an toàn... Cô còn tự mình sáng tạo các đồ dùng dạy học, trang trí lớp, với học sinh có điều kiện khó khăn, mỗi khi đông về, cô trích tiền lương mua cho các con tấm áo ấm. Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Làn luôn hoàn thành tốt vai trò “mẹ hiền thứ hai”, che chở cho 20 con nhỏ trong lớp mình phụ trách.
Bỏ phố lên rừng
Sinh ra và lớn lên ở phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa, năm 1993, cô Phạm Thị Vân theo gia đình lên Lào Cai lập nghiệp và bén duyên với vùng đất biên cương từ đó. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô Vân tham gia giảng dạy tại điểm trường Na Lốc, Trường Tiểu học Bản Lầu (Mường Khương). Sau 16 năm gắn bó với Bản Lầu, năm 2014, cô Vân tình nguyện lên công tác tại vùng cao Tả Gia Khâu.
Khi cô Vân đưa ra quyết định lên Tả Gia Khâu công tác khiến nhiều thành viên trong gia đình phản đối, bởi trong suy nghĩ của họ chẳng ai lại bỏ phố để lên rừng làm việc. “Ngày đầu lên nhận công tác, tôi rất lo lắng vì giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, trường lại ở nơi cao xa và bất đồng về ngôn ngữ. Nhưng rồi, từ tình yêu các con dành cho mình, sự giúp đỡ, đoàn kết của tập thể nhà trường, tôi dần vượt qua. Giờ đây, Tả Gia Khâu chính là ngôi nhà thứ hai của tôi”, cô Vân tâm sự.
Với bản tính dịu dàng, cô Vân được Ban Giám hiệu nhà trường phân công dạy chuyên khối 1 (đây là khối học rất đặc thù, bởi học sinh chưa quen nền nếp). Cô Vân vừa phải đảm nhiệm vai trò là giáo viên, vừa là mẹ hiền dạy các con nền nếp, rèn nội quy bán trú, dạy cách trồng rau, nuôi gà. Vì 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên cô Vân luôn chú trọng đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức, dạy các con cách phát âm chuẩn, khuyến khích các con phát huy tinh thần tự học. Xa gia đình, xa con còn nhỏ, mọi tình yêu thương cô Vân dành hết cho những đứa con nơi vùng đất khó này. Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ cô Vân sẽ không đủ nhiệt thành để bám trụ ở nơi khó khăn như vậy.
Với suy nghĩ, ở đây học sinh cần cô giáo, làm đúng nghề mình yêu thích đó là hạnh phúc; chứng kiến sự đổi thay từng ngày, nỗ lực vươn lên của học trò, chính là động lực tinh thần để cô Vân vượt qua khó khăn, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh.
“Nốt nhạc vui” trên vùng đất khô cằn
Tả Gia Khâu nắng chói chang. Dọc các triền đồi, cây ngô cũng “gầy mòn” vì đợi mưa. Trên đường đến thôn Lao Chải, tôi khá bất ngờ khi nghe tiếng đàn, tiếng hát rộn ràng vang lên trong khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu dù đang kỳ nghỉ hè. Men theo tiếng nhạc, tôi bắt gặp hình ảnh thầy giáo trẻ tay lướt phím đàn cho học sinh tập hát. Qua câu chuyện tôi được biết, thầy tên Trần Cương Quyết, quê xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, năm 2010, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm âm nhạc (Đại học Hùng Vương), thầy Quyết tình nguyện nộp đơn thi tuyển lên Lào Cai công tác.
Trong suy nghĩ của chàng trai trẻ vừa rời ghế giảng đường, thì Lào Cai là miền đất bí ẩn để khám phá. Ngày đầu đến Tả Gia Khâu, thầy giáo Quyết đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác, từ việc nhớ tên học sinh, tên địa danh đến làm quen với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Nhưng, điều khiến thầy giáo Quyết ấn tượng nhất và có lúc từng muốn xách ba lô về quê đó là vào mùa khô hạn đầu tiên khi đến Tả Gia Khâu. Nhìn học sinh chia nhau từng ca nước đánh răng, rồi sau buổi học, thầy và trò nhà trường lại can lớn, can nhỏ đi hàng km xách nước, bản thân chưa từng phải “nhịn tắm” vào mùa hè khiến nhiều lúc thầy Quyết thấy nản. Rồi cả những thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, sinh hoạt, có tiền cũng không biết mua thứ mình cần ở đâu; mùa đông rét cắt da, mùa hè nắng chói, khô hạn… như càng thêm khó khăn để thử lòng thầy giáo trẻ. Đưa tay chỉ những chỗ rách trên chiếc túi đựng đàn, thầy Quyết bảo: “Tôi không vứt chiếc túi này dù nó đã rất cũ, vì nhìn thấy nó, tôi nhớ lại những ngày đầu gian khó khi mới lên vùng đất này, mỗi vết rách là một lần ngã xe”.
Giờ đây thầy Quyết đã rất yêu thương vùng đất này. Mỗi lần hè đến, trở về thành phố thăm gia đình, thầy lại nhớ đám học trò tinh nghịch, nhớ những buổi tập thể thao cùng đồng nghiệp, nhớ cả lúc chia nhau từng ca nước để rửa mặt, nhưng trên hết là nhớ tình cảm chân thành mà bà con nơi đây dành cho mình. Để rồi, năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ nghỉ hè, thầy Quyết luôn trở lại trường sớm để cùng học sinh luyện tập văn nghệ phục vụ cho ngày khai giảng năm học mới. Giữa cái nắng chói chang của mùa hạ, những nốt nhạc thánh thót của thầy Trần Cương Quyết vẫn vang lên, như cơn mưa rào tưới mát tâm hồn bao thế hệ học sinh nơi miền đất với những tháng ngày hạn hán kéo dài.
Bằng tình yêu nghề, dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hằng ngày, hằng giờ, những giáo viên ở “Trường Sa cạn” vẫn âm thầm mang tri thức “tưới mát” cho tương lai lớp lớp thế hệ học sinh.