'Chernobyl': Bài học thảm họa điện nguyên tử
Dù thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng những di chứng của vụ nổ lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vào ngày 26-4-1986 để lại vẫn còn dai dẳng không thể nào nguôi.
Năm 2019, kênh HBO ra mắt series truyền hình "Chernobyl" (phát sóng từ ngày 6-5 đến 3-6) như lời cảnh báo đến nhân loại ở thế kỷ XXI.
Bộ phim mở đầu bằng cái đêm 27-4-1988 ảm đạm, Valery Legasov (do Jared Harris thủ vai), phó giám đốc Viện Kurchatov, treo cổ tự sát, chỉ một ngày sau buổi kỷ niệm lần thứ hai của vụ tai nạn nguyên tử ở Chernobyl và một ngày trước khi ông công bố kết quả điều tra nguyên nhân của thảm họa. Từ đó, đêm cứ như loang ra mãi, đến cái đêm 2 năm về trước, lúc lò phản ứng số 4 đang trong cơn giãy chết. Hàng loạt vụ nổ xảy ra, kéo theo đó là những thảm họa trực tiếp cũng như tiềm tàng mà những người có trách nhiệm phải tìm cách khắc phục.
Những nhà làm phim đã khắc họa sinh động cảnh "địa ngục" trần gian lúc lò phản ứng phát nổ và nhanh chóng mang theo những nạn nhân đầu tiên của nó. Nhưng những điều còn lại mới thật sự kinh khủng, những con người bị bỏng toàn thân, da thịt chừng như tan chảy ra, đang nằm thoi thóp trong bệnh viện. Những bóng ma phóng xạ trôi nổi trong không khí đeo đẳng như một sát thủ chờ cướp đi sinh mạng những người trót vào vùng phơi nhiễm. Hơn 50 triệu đơn vị phóng xạ phát tán ra khí quyển khi nhà máy phát nổ, phần lớn số phóng xạ này rơi trên lãnh thổ Belarus.
Chính vì thế, nhà văn Belarus, Svetlana Alexievich, cũng là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Bà dành 3 năm để phỏng vấn hơn 500 người trực tiếp liên quan đến vụ nổ hay những nhân chứng sống sót. Kết quả là tác phẩm "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" (Nguyễn Bích Lan dịch, NXB Phụ Nữ, ấn hành năm 2016) ra đời, đóng góp vào những thành tựu giúp bà được Giải Nobel Văn học năm 2015. Năm 2016, đạo diễn người Luxembourg Pol Cruchten đã chuyển thể tác phẩm này thành phim "La supplication" ("Lời nguyện cầu").
"Chernobyl" sau khi được công chiếu trên HBO đã thu hút được sự quan tâm của khán giả, nhận số điểm rất cao trên trang phê bình IMDb, riêng trên trang Rotten Tomatoes đạt "độ tươi" đến 96%. Đồng thời, phim này đã kéo được một lượng lớn du khách đến thăm địa điểm Chernobyl "ở thành phố ma" Pripyat (bị bỏ hoang sau thảm họa nguyên tử).
Làm được điều đó, không chỉ bởi các nhà làm phim đã phô bày được thảm trạng của vụ nổ trong quá khứ, mà còn lột trần những điều trước nay truyền thông ít khi được đề cập. Di hại của thảm họa còn dai dẳng đến hôm nay chính bởi vì những người có trách nhiệm ngay từ lúc đầu đã không đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Thói quan liêu, thiếu nhận thức về nguyên tử cũng như sự duy ý chí đã làm chậm lại những biện pháp khắc phục mà nếu được thực hiện sớm hơn có thể tác động của phóng xạ lên con người đã không khủng khiếp đến vậy.
Nó còn là bản hùng ca của những con người vô danh thầm lặng, những kỹ sư, lính cứu hỏa, thợ mỏ đã nỗ lực hết mình để không cho phóng xạ thấm vào mạch nước ngầm.
Đã có những phim về Chernobyl như "The Russian Woodpecker" (tạm dịch: "Chim gõ kiến Nga"), sản xuất năm 2016 hay bộ phim kinh dị "Chernobyl Diaries" ("Nhật ký Chernobyl"), sản xuất năm 2012. Nhưng có lẽ "Chernobyl" vẫn là bộ phim đầy đặn nhất về thảm họa nguyên tử chấn động này. Đấy là bởi nó không nói điều đã cũ, trái lại, thảm họa nguyên tử vẫn như là cái án treo lửng lơ trên đầu nhân loại. Có lẽ đây chính là thông điệp chính và quan trọng nhất mà những nhà làm phim muốn gửi gắm đến nhân loại hiện nay.