Chết, chắc gì đã 'chết'!

Xe chết máy, đồng hồ chết, bóng chết... thì sự việc hiện tượng trên chưa phải đã 'chết' hẳn, mà vẫn có thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường…

Chết, trước hết là một từ trái nghĩa cùng cặp với sống. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải thích nghĩa chính của “chết” là “mất khả năng sống, không còn có biểu hiện của sự sống”.

Ta thường nghe nói “Tai nạn ở miền Trung vừa rồi đã làm mấy chục người chết”; “Nước bị ô nhiễm đã làm cá chết hàng loạt”; “Sống để dạ, chết mang theo (tục ngữ)”, v.v. Như vậy, chết cũng có nghĩa là “hết sống”.

Tiếng Việt cũng có một loạt từ được cấu tạo theo nghĩa này: mực chết (mực mất tác dụng, không viết được nữa); xi măng chết (xi măng biến chất, không còn khả năng sử dụng); Biển Chết (biển có nồng độ muối cao tới mức không sinh vật nào sinh sống được),...

Vậy mà, có nhiều khi từ chết được dùng với nhiều nét nghĩa đã có sự di chuyển trong quá trình sử dụng.

Xe máy đang đi bị chết máy. Ảnh: TL

Chẳng hạn, đồng hồ chết được hiểu là “đồng hồ ngừng hoạt động”. Mà sự ngừng hoạt động này có thể xuất phát từ nhiều lý do: bị trục trặc, hỏng hóc, quên lên dây cót (hay hết pin, đối với đồng hồ điện tử)... Những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa, chỉ cần ta đem đi sửa hoặc điều chỉnh lại là chiếc đồng hồ nằm “chết” kia lại tích tắc chạy như thường.

Trong bóng đá, trọng tài thường cộng thêm giờ để bù vào thời gian bóng chết. Bóng chết không đối lập với bóng sống mà phân biệt với bóng trong cuộc, tức là bóng đang được tranh chấp.

Bóng đang lăn trên sân hay đang nằm im ở chấm đá phạt đều được tính vào thời gian thi đấu. Nhưng nếu bóng tạm dừng (do cầu thủ phạm lỗi, bị chấn thương) hay bay ra ngoài vạch vôi của sân thì người ta đều gọi là bóng chết (bóng tạm ra ngoài cuộc chơi).

Có lần, báo chí nói nhiều về hiện tượng hồ thủy điện Hòa Bình đang cạn xấp xỉ tới mực nước chết (mức 80m). Kỹ thuật viên của nhà máy thủy điện đã giải thích là, mực nước chết cũng “chưa dẫn đến chết cái gì” mà là một thông số kỹ thuật chỉ mực nước báo động tới việc duy trì, vận hành cho các cỗ máy phát điện chạy bình thường (Dĩ nhiên, nếu nước xuống quá sâu so với mực nước chết thì khả năng tạm ngừng hoạt động các tổ máy là có thể).

Như vậy chuyện xe chết máy, đồng hồ chết, bóng chết... thì sự việc hiện tượng trên chưa phải đã “chết” hẳn, mà vẫn có thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường (trong điều kiện cho phép). Ở đây, người ta chỉ dùng chết với hàm nghĩa là “tạm dừng hoạt động, do một sự cố nào đó”.

Gần đây, giới trẻ rất hay dùng tổ hợp từ bắt chết (cũng bắt nguồn từ thể thao) để chỉ một chàng trai nào đó bị “đối phương” kèm chặt tới mức chịu không tài nào thực thi được ý đồ của mình: “Thằng Trường bị bọn Tuấn Gấu bắt chết nên chịu, phải nhả cô nàng Nga ra rồi”; “Hai cao thủ bắt chết đến thế thì tài giời cũng chịu”.

Hay từ xin chết cũng rất thông dụng trong ngôn từ giới thanh niên “sành điệu” để chỉ anh chàng nào đấy say mê cô nàng nọ, “trồng cây si” tới mức vì nàng mà sẵn sàng bất chấp tất cả. Bọn trẻ thường giễu nhau: “Cái con Hương Tiên nom thế mà đắt khách đáo để. Có ối chàng “quý tử” sẵn sàng xin chết mà nó vẫn còn vênh. Cho đến giờ, nàng vẫn chưa cho ai được chết mới lạ chứ!”; “Nàng chưa gật đâu! Đấy chỉ là động tác giả chết của nàng để thử thách chút chơi”.

Quả là kỳ. Bao nhiêu người xin chết mà vẫn chưa được “duyệt” cho chết. Ngạn ngữ phương Tây còn có câu: “Những kẻ hèn nhát đã nhiều lần chết trước khi chết”. Đó là một thông điệp rất hay, rất hàm súc.

Cái lạ kỳ của cách ứng xử trong cuộc sống đã dẫn đến sự lạ kỳ trong sử dụng ngôn từ. Nếu không rành, ai đó nghe lớp trẻ kia nói lần đầu, có khi cũng đành đứng ngây “chịu chết” vì không hiểu.

Từ “chết” có dăm bảy đường

Ngôn từ không thể xem thường được đâu.

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chet-chac-gi-da-chet-39182.html