Chevron thăm dò đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp tại Indonesia
Công ty năng lượng Chevron Corporation của Mỹ và công ty dầu khí PT Pertamina thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia đã ký kết thỏa thuận nhằm thăm dò các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp.
Pertamina cho biết Chevron đã ký kết thỏa thuận trên thông qua công ty con Chevron New Ventures, và đang xem xét các cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ địa nhiệt mới; bù đắp carbon thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên; thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Trong thông cáo chung ngày 13/5, hai bên cho biết cũng sẽ xem xét các cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực phát triển, sản xuất, lưu trữ hydro và vận tải ít phát thải khí carbon.
Biên bản ghi nhớ nói trên đã được Chevron và Pertamina ký kết trong chuyến công du Washington, D.C. của Phái đoàn Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối thoại giữa Hoa Kỳ và ASEAN.
Jeff Gustavson, Chủ tịch của Chevron New Energies, cho biết: “Thông qua các dự án tiềm năng tại Indonesia và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi hy vọng cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, ngày càng sạch hơn, và giúp các ngành công nghiệp và khách hàng sử dụng sản phẩm đạt mục tiêu giảm phát thải”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Pertamina Nicke Widyawati khẳng định rằng chương trình hợp tác này là “bước đi chiến lược” của Pertamina và Chevron nhằm bổ sung thế mạnh cho nhau, phát triển các dự án và giải pháp năng lượng carbon thấp, thúc đẩy độc lập năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia.
Indonesia đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060 và nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia từ mức 12% hiện nay lên mức 23% vào năm 2025.
Quốc gia này cũng đã lên kế hoạch tăng cường khai thác các nguồn năng lượng địa nhiệt với tiềm năng lên tới hơn 28 GW. Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản cho thấy công suất lắp đặt điện địa nhiệt của nước này hiện mới chỉ đạt 2,28 GW tính đến cuối năm ngoái.
Pertamina đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất địa nhiệt vào khoảng năm 2027-2028 từ mức 700 MW hiện nay và đang vận hành thử nghiệm một nhà máy điện địa nhiệt nhị phân có công suất 500 kW tại mỏ địa nhiệt Lahendong.
Để đẩy nhanh quá trình phát triển, Pertamina có kế hoạch bổ sung khoảng 210 MW công suất điện địa nhiệt thông qua việc đầu tư vào một nhà máy theo chu kỳ Rankine hữu cơ nhị phân (ORC) có chi phí thấp hơn và có thể được phát triển nhanh hơn./.