Chi 1,5 tỷ mua 'Bướm đại ngàn', 3 năm sau thu 15 tỷ nhờ bán mầm lan bằng đốt ngón tay

Mức giá cao kỷ lục này của mầm lan 'Bướm đại ngàn' đột biến đã soán ngôi chậu lan phi điệp mang tên 'Năm cánh trắng vọng xưa' có giá 5 tỷ đồng hồi đầu tháng 6.

Từ trước đến nay, chơi hoa lan vốn được coi là thú vui xa xỉ, đặc biệt với những chậu lan đột biến gen, những giao dịch mua bán với giá trị từ hàng triệu đồng đến vài tỉ đồng luôn gây xôn xao và tò mò trong cộng đồng.

Ngày 2/7, một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) từ chậu lan đột biến có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn" đã được bán thành công với giá 15 tỷ đồng.

Mức giá cao kỷ lục này đã "soán ngôi" chậu lan phi điệp mang tên "Năm cánh trắng vọng xưa" có giá 5 tỷ đồng hồi đầu tháng 6.

Một mầm lan bằng đốt ngón tay cũng có giá 15 tỷ đồng

Một mầm lan bằng đốt ngón tay cũng có giá 15 tỷ đồng

Chia sẻ với Zing, anh Trương Quốc Chính (chủ nhân cây lan Bướm đại ngàn) xác nhận vừa chuyển nhượng mầm lan quý nhân giống từ chậu lan Bướm đại ngàn sau 3 năm chăm sóc cho anh Nguyễn Tấn Sơn, một người chơi lan quen thân tại Bình Dương.

Hiện, hai bên đã hoàn tất các thủ tục chuyển tiền đặt cọc 10 tỷ đồng và khoảng một tháng nữa mầm lan sẽ chính thức được trao tay cho chủ nhân mới tại hội chợ hoa phong lan ở Ba Vì.

Trước đó vào tháng 6/2017, "Bướm đại ngàn" được anh Chính mua lại từ một người sưu tầm lan ở Sơn La với giá 1,5 tỷ đồng. Lúc đó cây lan chỉ dài 20 cm. Khi ấy, cây được lấy về từ vùng Thuận Châu, Sơn La và được đặt tên là "Bướm đại ngàn".

Theo anh Chính, điểm đặc biệt của mầm lan này là giống lan đột biến đẹp, hiếm. "Nó có mặt hoa độc nhất vô nhị, hội tụ đầy đủ yếu tố của một bông hoa đột biến đẹp, chưa từng giống với bất kỳ bông hoa lan nào", chủ cây lan cho hay.

Bông hoa của cây lan đột biến mẹ có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn".

Bông hoa của cây lan đột biến mẹ có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn".

Tuy nhiên, trước khi trở nên đẹp và độc lạ như này, nó phải trải qua một thời gian dài chăm sóc rất cầu kì. Cây mẹ khi mới được đưa về từng bị bệnh giống như bệnh khô vằn ở lúa. Vào thời điểm nhân giống, có lúc cây bị thối thân, hỏng dần thân, còn rất ít giống nên phải rất cẩn thận trong tất cả công đoạn chăm sóc.

Chủ nhân của cây lan khẳng định đây là giao dịch "người thật, việc thật". Bên cạnh sưu tầm, trồng và chăm sóc vì đam mê còn là chuyện làm kinh tế từ lan đột biến.

Tuy nhiên, những năm gần đây bên cạnh những cuộc giao dịch thật cũng không khó để bắt gặp những cuộc giao dịch “ảo”.

Trao đổi với báo Dân Việt, anh Nguyễn Thế Hùng - một người đam mê sưu tầm lan ở Hòa Bình cho biết, thị trường phong lan trong những năm gần đây đã bị "thổi" giá khá nhiều khiến cho những người đam mê lan thực sự khó có cơ hội để sở hữu những nguồn lan rừng đột biến quý hiếm.

"Nhiều nhà vườn mua được giò lan đột biến, mặt hoa độc đáo với giá rẻ sau đó tung tin trong giới chơi lan về việc có nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng không bán. Đồng thời, họ còn thuê người tìm đến hỏi mua chính giò lan đó với giá hàng tỷ đồng.

Giao dịch được xác nhận, tiền thật, lan thật nhưng ít ai biết được số tiền này lại là của chính người bán. Còn cây lan sau một thời gian lại được quay lại với chủ cũ với rất nhiều lý do khác nhau... như cái duyên gắn với giò lan đó nên phải bỏ ra số tiền gấp đôi để chuộc lại", anh Hùng chia sẻ.

Lê Lan (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-15-ty-mua-buom-dai-ngan-3-nam-sau-thu-15-ty-nho-ban-mam-lan-bang-dot-ngon-tay-a481617.html