Chi 1 tỉ đồng tuyển GS, PGS dạy trường THPT có khả thi?
Đề xuất chi 1 tỉ đồng mời mỗi GS, PGS về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình đang gây tranh luận trái chiều
Theo Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình, giáo viên có trình độ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỉ đồng/người.
Tiền tỉ cũng khó thu hút GS, PGS
Ngoài ra, giáo viên có trình độ TS về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 300 triệu đồng/người. Giáo viên giảng dạy song ngữ các môn không chuyên được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 120% mức lương cơ sở, thời gian hưởng là 10 tháng/năm.
Tỉnh Hòa Bình cũng đề xuất chính sách chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hệ chính quy sau khi được tiếp nhận về công tác tại trường được hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước với mức 100 triệu đồng/người và cam kết phải công tác ít nhất 10 năm tại trường THPT chuyên sau khi hoàn thành khóa học.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hòa Bình cho hay sở được UBND tỉnh giao tham mưu, xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết trên. Sau đó, UBND tỉnh sẽ trình lên HĐND tỉnh để kỳ họp sắp tới thảo luận và cho ý kiến.
Hòa Bình hiện có một trường THPT chuyên là THPT Hoàng Văn Thụ. Trường này chưa có GS, PGS giảng dạy, gây nên hạn chế trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. Chính vì thế, tỉnh xây dựng nghị quyết để thu hút nhân tài nhằm phát triển hệ thống trường chuyên.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS của một trường ĐH lớn đóng tại Hà Nội cho hay ông ghi nhận mong muốn thu hút đội ngũ có học hàm, học vị cao của tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, chính sách này không khả thi vì còn vướng nhiều điều.
Theo quy định hiện hành, GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng tiêu chuẩn do cơ sở giáo dục ĐH bổ nhiệm. Việc GS từ cơ sở giáo dục ĐH xuống dạy phổ thông là không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục.
Giảng viên cao cấp (GS đều là giảng viên cao cấp) có hệ số lương từ 6,2 đến 8,0, trong khi giáo viên hạng I bậc phổ thông là từ 4,0 đến 6,38 - nghĩa là bậc cao nhất của giáo viên THPT cũng mới tương đương bậc khởi điểm của giảng viên cao cấp. "Đó là chưa nói đến vấn đề thu nhập. Liệu thu nhập của họ ở trường phổ thông có cao bằng dạy ĐH không? Khoản hỗ trợ 1 tỉ đồng với cam kết giảng dạy 10 năm trở lên, tôi cho là không hấp dẫn bởi thu nhập của một GS ở Hà Nội hay TP HCM cũng không hề ít" - GS nêu trên nhận xét.
Lãng phí nguồn lực
PGS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng GS, PGS là những người nghiên cứu chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó nên việc giảng dạy tại trường phổ thông là không phù hợp.
Theo PGS Phạm Huyền, nếu muốn thu hút đội ngũ GS, PGS, Hòa Bình có thể mời họ thỉnh giảng cho học sinh để nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì tuyển GS, PGS về làm giáo viên. GS, PGS về làm giáo viên phổ thông có thể dẫn đến sự lãng phí nguồn lực chất xám. Đó là chưa kể GS, PGS ở ngạch giảng viên cao cấp/chuyên viên cao cấp nhưng giáo viên phổ thông thì không thể ở ngạch đó. Vậy mức lương, thu nhập của GS, PGS ở trường phổ thông sẽ thế nào?
TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), nhìn nhận mô hình Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có thể coi là trường hợp đặc biệt, bởi là một đơn vị trong trường ĐH. Với các trường THPT chuyên thuộc/nằm trong các trường ĐH, thầy cô quản lý, giảng dạy có học hàm, học vị là điều bình thường. Tuy nhiên, việc thu hút GS, PGS về trường chuyên ở các tỉnh là không phù hợp với thực tế hiện nay bởi không phải người nào khi về dạy ở trường chuyên cũng tốt hơn giáo viên phổ thông.
TS Lê Công Lợi nhấn mạnh cần phân tích một cách kỹ càng bởi khả năng để các trường phổ thông tuyển được GS, PGS về làm giáo viên là rất khó. Theo vị hiệu trưởng này, việc mời GS, PGS tham gia giảng dạy ở vị trí thỉnh giảng hay kiêm nhiệm là khả thi nhất. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có nhiều GS, PGS tham gia thỉnh giảng một số chuyên đề, nội dung kiến thức sâu. Trường này cũng có một số thầy cô cơ hữu là PGS nhưng họ đều kiêm nhiệm các công tác đào tạo ĐH và sau ĐH ở các khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Khó thể hiện hết năng lực
Một GS tại Hà Nội nhận định sẽ có rất ít GS, PGS lựa chọn về các trường THPT. Với những người làm khoa học, môi trường làm việc là quan trọng nhất. Chỉ ở trường ĐH hoặc viện nghiên cứu, các GS, PGS mới phát huy hết khả năng của mình, cống hiến cho lĩnh vực họ theo đuổi. Ở bậc phổ thông, dù là dạy học sinh chuyên, họ khó thể hiện hết năng lực của mình.