Chỉ 7 ngày, 140 người dân dọn sạch rác bãi biển Sa Cần
Chỉ trong vòng 7 ngày (từ ngày 17-7 đến ngày 24-7), 140 người dân thuộc khu dân cư Đông Thành 2 (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã dọn sạch 2km rác bãi biển Sa Cần. Trong quá trình thực hiện, mỗi ngày người dân thu dọn gần 4 tấn rác và hiện vẫn đang tiếp tục thu dọn.
Sa Cần là khúc giao cuối cùng của dòng sông Trà Bồng giữa hai xã Bình Thạnh và Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trước khi đổ ra biển lớn. Đây cũng là nơi neo đậu hàng trăm chiếc tàu thuyền của các xã vùng Đông ven biển vươn khơi đánh bắt cá. Suốt 2 thập niên qua, Sa Cần đã “chịu đựng” lượng rác thải lớn đến hàng trăm tấn, những lớp rác chồng lên từ năm này qua năm khác, không thể phân hủy.
Chị Đỗ Thị Nga (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) cho biết: "Nhiều năm trước kia vùng Đông này vẫn còn hoang sơ thì cửa biển Sa Cần rất sạch sẽ, yên bình. Thế nhưng khi những bờ chắn sóng được xây dựng để hạn chế xâm thực nước biển thì mới bắt đầu có những lượng rác đổ về không trôi được ra biển đã tấp vô cửa biển Sa Cần”. Người dân Sa Cần nhận thấy rác thải đổ ra biển đã “dội ngược” lại chính cuộc sống của họ, có thể có cả lượng rác từ trên sông Trà Bồng đổ xuống cuốn trôi.
Chị Nga chia sẻ: “Mỗi người dân ở Sa Cần khi đi ra ngoài bãi biển thấy quá nhiều rác, do vậy, từ ý thức, mỗi người dân nơi đây chủ động thực hiện dọn sạch bãi biển”. Chị Nga đã thuê xe máy đào, phục vụ nước uống, mỗi người dân ở khu dân cư Đông Thành 2 đều cùng chị Nga tham gia dọn rác bãi biển.
Anh Nguyễn Duy Vũ (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) nói: “Xe đào cào rác từ dưới lớp cát lên, dày chừng 0,5m, chúng tôi chứng kiến rác chồng từng lớp dày đóng cục và ướt nhẹm, không phân hủy. Lớp rác này đã tồn tại hàng chục năm dưới lòng cát ven bờ biển mà không được đào bới lên xử lý”.
Cứ như thế, xe đào đi đến đâu, người dân vác bao đi theo đến đó để thu dọn rác. Người dân chọn vị trí đất cách mặt nước biển khoảng 6m để làm hố chôn rác tại chỗ. Rác sau khi thu dọn được tập kết để chôn lấp. Chị Nga cho biết: “Vì không có kinh phí để vận chuyển đến nơi xử lý rác nên bà con đã thống nhất là chôn tại chỗ”. Cát sau khi đào lên sẽ san bằng trở lại. Trả lại bãi biển vàng cho chính người dân thôn Hải Ninh, mà trước hết cuộc sống không ô nhiễm của người dân khu dân cư Đông Thành 2.
Điều đáng nói là mỗi nhà đều có người tham gia dọn rác, “Mỗi người dân khi đứng ra dọn rác đều cương quyết không đổ rác ra ngoài bãi biển, vận động người dân xung quanh cửa biển Sa Cần không gây ô nhiễm cửa biển, người dân thôn Hải Ninh có khu đổ rác ổn định rồi nên cần thực hiện đổ rác đúng nơi quy định”-Chị Nga nói.
Trong hoạt động khác, dự án “Tử tế với Sa Cần” đang được các bạn trẻ thực hiện dự kiến diễn ra vào tháng 8, huy động 400 thùng rác, 400 cây xanh, 400 giờ dọn rác ở cửa biển Sa Cần. Đường đi của dự án là cố gắng hình thành thói quen, định hình trong cộng đồng về phân loại rác tại chỗ, đổ đúng nơi quy định, hạn chế dùng đồ nhựa, chung tay bảo vệ môi trường
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chi-7-ngay-140-nguoi-dan-don-sach-rac-bai-bien-sa-can-606668.html