Chi 8.000 USD để nuôi 'em bé không bao giờ khóc'

Những búp bê sơ sinh có vẻ ngoài giống hệt em bé thật đang trở thành hiện tượng. Dù bị gọi là 'kỳ quặc', 'đáng sợ', cộng đồng yêu thích món đồ chơi này vẫn âm thầm lớn mạnh.

 Với những người từng mất con, búp bê sơ sinh mang lại niềm an ủi, giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát.

Với những người từng mất con, búp bê sơ sinh mang lại niềm an ủi, giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát.

Một ngày hè, Kelli Maple (23 tuổi, Mỹ), sao mạng với hơn 2 triệu người theo dõi trên YouTube, nhẹ nhàng đặt “con gái” Naomi vào ghế ngồi xe hơi hiệu Nuna.

Naomi mặc một bộ bodysuit kèm băng đô, được Maple đưa đi dạo ở trung tâm thương mại bằng xe đẩy cao cấp, có cả thú nhồi bông, ti giả và máy phát nhạc du dương. Cô vừa đẩy xe vừa cười, tay lướt qua những chiếc váy trẻ em xinh xắn treo trong cửa hàng. Thoạt nhìn, không ai nghĩ Naomi chỉ là một búp bê có vẻ ngoài giống trẻ sơ sinh.

Những "em bé" này được chế tác thủ công với giá lên đến 10.000 USD. Trào lưu búp bê sơ sinh xuất hiện từ đầu những năm 2000 nhưng vài năm gần đây mới thực sự bùng nổ, trở thành một ngành công nghiệp ngách thu hút hàng triệu người từ Mỹ đến Brazil, theo Wall Street Journal.

Những 'đứa trẻ' không bao giờ khóc

Với cộng đồng sưu tầm, búp bê không chỉ là một món đồ chơi, mà là một “đứa con”. Họ chi hàng nghìn USD cho ghế ngồi xe hơi, xe đẩy, thậm chí nước hoa mô phỏng mùi da trẻ sơ sinh để “nuôi” những em bé sơ sinh.

Tại Mỹ, ngành sản xuất loại đồ chơi này tồn tại ẩn mình trong xã hội. Từ tầng hầm của các bà mẹ nội trợ, những "em bé" được tạo hình, tô màu tỉ mỉ đến từng đường gân xanh, sợi tóc lưa thưa từ lông dê hay lông alpaca.

“Tôi cá là bạn từng thấy búp bê sơ sinh ngoài phố mà không nhận ra”, một nghệ nhân tại New York (Mỹ) chia sẻ.

Ở Brazil, món đồ chơi còn trở thành đề tài gây tranh cãi khi chính trị gia đề xuất cấm mang món đồ chơi này đến nơi công cộng. Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều người chơi búp bê bị trêu chọc, bị gọi là “điên”, đặc biệt khi họ quay video thay tã hoặc đưa "trẻ sơ sinh" đi công viên.

 Dù đã có cháu, Mia Martone (New York) cho biết đôi khi bà vẫn mong có một em bé không bao giờ khóc.

Dù đã có cháu, Mia Martone (New York) cho biết đôi khi bà vẫn mong có một em bé không bao giờ khóc.

Dù bị nhiều người cho là kỳ lạ, thậm chí “rùng rợn”, các tín đồ khẳng định chúng mang giá trị tinh thần to lớn. Với nhiều phụ nữ từng mất con hoặc sảy thai, món đồ chơi này như nguồn an ủi, giúp họ vượt qua nỗi đau.

Búp bê cũng hỗ trợ những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, Alzheimer, tự kỷ hoặc chứng mất trí. Thậm chí, ngôi sao Britney Spears, người từng công khai về việc sảy thai, cũng được nhìn thấy ôm búp bê sơ sinh.

Bên cạnh các "em bé" thông thường còn có dòng “giả tưởng”, những loại búp bê được tạo hình như sinh vật nửa thỏ nửa người, người sói mini, yêu tinh da xanh…

Tại hội chợ Dolls of the World ở Greensboro (Bắc Carolina, Mỹ) tháng 6, khoảng 1.500 người đã tụ họp để mua bán, trao đổi và học cách làm búp bê.

Không chỉ người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên cũng mê mẩn thú vui này. Maggie Barnes (12 tuổi, Bắc Carolina), tự hào khoe con búp bê “người sói” Fang có giá 1.000 USD mà mẹ cô bé mua tặng tại hội chợ.

“Ở đây, không ai phán xét cả”, Maggie nói.

Ngành công nghiệp doanh thu triệu USD

Làm búp bê sơ sinh là một công việc đòi hỏi cả kỹ năng và trái tim. Nghệ nhân Dorothy Blue (Missouri, Mỹ) chia sẻ rằng việc tái hiện hình ảnh một đứa trẻ đã mất theo yêu cầu của khách hàng có thể rất nặng nề.

“Nói thẳng ra, một đứa trẻ đã qua đời trông rất khác", cô nói. Một con búp bê silicone chất lượng cao có thể mất hàng tháng để hoàn thiện, với chi phí nguyên liệu lên đến hơn 500 USD, chưa kể công sức. Giá bán vì thế thường dao động từ 5.000 USD trở lên.

Dù thị trường này không mang lại lợi nhuận khổng lồ, đây vẫn là nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ làm việc tại nhà, tương tự như những người bán mỹ phẩm hay đồ gia dụng trước đây.

Nevin và Denise Pratt, chủ công ty Bountiful Baby ở Salt Lake (Utah, Mỹ), là một trong những “ông lớn” của ngành. Từ một xưởng nhỏ, họ đã xây dựng doanh nghiệp cung cấp linh kiện búp bê với doanh thu từng đạt 5 triệu USD vào năm 2019. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang chịu áp lực từ các sản phẩm nhái giá rẻ từ Trung Quốc, đang được bán tràn ngập tren Amazon, Alibaba.

Với Maple, năm nay cô chỉ bán được 3 búp bê, ít hơn hẳn so với kỳ hội chợ trước. Nhưng điều cô nhận lại không chỉ là tiền.

“Tôi từng trải qua nhiều vấn đề tâm lý. Những con búp bê này đã giúp tôi vượt qua”, cô Maple nói.

Tại hội chợ, Maple được người hâm mộ vây quanh xin chụp ảnh và chữ ký, trong khi “phòng trẻ” của cô ở nhà ngập tràn đầu và tay chân búp bê, một cảnh tượng mà cô thừa nhận “có thể hơi đáng sợ”.

Như Phương

Ảnh: Stacy Kranitz/WSJ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chi-8000-usd-de-nuoi-em-be-khong-bao-gio-khoc-post1571277.html