Chi bộ bản Cống lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế

Cuộc sống của người dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) đã và đang có bước khởi sắc, với những ngôi nhà xây dựng khang trang, các tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch sẽ, tạo diện mạo nông thôn mới ở bản vùng biên. Có được những kết quả trên, Chi bộ bản Cống đã có nhiều giải pháp trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tế để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nông dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) trao đổi kinh nghiệm trồng xoài trên đất dốc.

Nông dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) trao đổi kinh nghiệm trồng xoài trên đất dốc.

Chi bộ bản Cống hiện có 34 đảng viên. Những năm qua, Chi bộ luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Hằng năm, xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào tại cơ sở. Từ thực tế của địa phương, Chi bộ thống nhất chỉ đạo việc chuyển đổi diện tích cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, trồng rừng; phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt chuồng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình đảng viên Lò Văn Sai, Chi bộ bản Cống. Được biết, năm 2015, ông Sai đi học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả trong huyện, trong tỉnh. Đồng thời, vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng 2.400 cây xoài Đài Loan, sau đó, ông mở rộng diện tích trồng xoài lên 3,5 ha. Hiện 1,5 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha, doanh thu hơn 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. Từ kết quả của gia đình, ông Sai đã chia sẻ kinh nghiệm với người dân trong bản, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây xoài để liên kết, đáp ứng các đơn hàng của khách hàng. Đến nay, cả bản đã có 10 hộ trồng gần 8 ha xoài.

Từ mô hình kinh tế hiệu quả của đảng viên trong Chi bộ, người dân trong bản đã học và làm theo, như mô hình trồng cây ăn quả gia đình ông Vì Văn Tiên; mô hình trồng cỏ nuôi bò của bà Lò Thị En, ông Vì Văn Thỉnh... Đến nay, bản Cống đã chuyển hơn 22 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, cây có múi, chanh leo... Về chăn nuôi, người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa và đảm bảo vệ sinh môi trường, như: Mô hình nuôi gia súc vỗ béo nhốt chuồng, mô hình nuôi gà sử dụng thảm lót sinh học... Toàn bản hiện có gần 700 con gia súc, hơn 6.000 con gia cầm.

Không chỉ tập trung lãnh đạo nhân dân trong bản phát triển kinh tế, Chi bộ còn chỉ đạo Ban Quản lý bản, các đoàn thể bản tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của bản; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa.... Qua đó, bà con trong bản đã đóng góp ngày công lao động, nguyên vậy liệu, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đổ bê tông 2 km đường nội bản, xây dựng sân nhà văn hóa bản, bồn hoa, cây cảnh tại nhà văn hóa bản...

Trong thời gian tới, Chi bộ bản Cống tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường trồng rừng với các loại cây keo, xoan, thông..., phấn đấu hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.

Thu Hằng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chi-bo-ban-cong-lanh-dao-nhan-dan-phat-trien-kinh-te-26865