Chị Bùi Thị Son vượt khó phát triển kinh tế

Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, mạnh dạn và quyết tâm vượt khó phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, chị Bùi Thị Son, hội viên chi hội phụ nữ xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) trở thành tấm gương tiêu biểu để hội viên trong chi hội noi theo, cùng phát triển.

Chị Bùi Thị Son, xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) kiểm tra sự phát triển của đàn ong.

Chị Bùi Thị Son, xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) kiểm tra sự phát triển của đàn ong.

Chị Son chia sẻ: Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là sau khi sinh các con khó khăn càng thêm chồng chất. Vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau chịu khó cày cuốc, trồng cây và chăn nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, thời gian này chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có kỹ thuật và đầu tư phát triển thành hàng hóa. Vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, truyền hình, năm 2017, tôi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong lấy mật do Hội Phụ nữ phối hợp với Ban giảm nghèo xã tổ chức. Tôi nhận thấy, nuôi ong lấy mật phù hợp với khí hậu địa phương và điều kiện đất đai, môi trường, thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng phong phú. Vì vậy, tôi đã bàn với chồng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng cùng với số tiền gia đình giành dụm được đầu tư nuôi ong lấy mật và chăn nuôi lợn, trồng keo.

Sự nỗ lực, chăm chỉ, mạnh dạn của vợ chồng chị đã thu được kết quả ý nghĩa. Sau 3 năm phát triển mô hình, hiện nay, gia đình chị Son có 110 đàn ong, mỗi năm cho thu hàng nghìn lít mật, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Sản phẩm mật ong của gia đình chị được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng, luôn được tiêu thụ hết, không có hàng tồn. Bên cạnh đó, chị nuôi thêm lợn, cung cấp lợn giống, lợn thịt ra thị trường 60-80 con/năm; 25 con dê, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm; tổng thu nhập từ cây keo đạt 800 triệu - 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị thu nhập 400 - 500 triệu đồng, giúp chị trang trải cuộc sống gia đình, đầu tư làm nhà, nuôi các con ăn học và tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi ong, lợn, dê, trồng keo.

Từ những thành công trong phát triển kinh tế gia đình, chị Son luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt với chị em trong chi hội. Cùng chị em xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Chị luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ huyện, xã tổ chức; tích cực ủng hộ các phong trào, đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhiều năm liên tục, gia đình chị Son đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.

PV

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/133446/chi-bui-thi-s111n-vuot-kho-phat-trien-kinh-te.htm