Chi cho bảo vệ môi trường: Không chỉ 'bao nhiêu', mà quan trọng hơn là 'chi như thế nào'

'Không chỉ là 'chi bao nhiêu', mà quan trọng hơn là 'chi như thế nào' để tạo ra sự chuyển biến thực chất trong công tác bảo vệ môi trường', Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường,...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo tại cuộc làm việc

Ngày 22-7, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, cho biết, trong 3 năm (2022 - 2024), dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương so với tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm đạt lần lượt 0,096% - 0,092% và 0,084%. Đối với ngân sách địa phương, các tỷ lệ này lần lượt là 1,35% - 0,91% - 1,12%.

Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 ước tính khoảng 20.908 tỷ đồng (trong nước 7.056 tỷ đồng, nước ngoài 13.852 tỷ đồng). So với giai đoạn 2016 - 2020, khoản này tăng 11,75% cho các bộ, ngành và 21,72% cho địa phương. Đó là chưa kể kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, do các địa phương chủ động bố trí.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Tổng số thu từ thuế và phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2019 đều tăng, đặc biệt tăng mạnh từ năm 2019 do điều chỉnh mức thuế. Giai đoạn 2020 - 2024, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách giảm mức thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tổng số thuế, phí bảo vệ môi trường thu được giai đoạn 2022 - 2024 khoảng 141.118 tỷ đồng; trong đó thuế là 120.668 tỷ đồng, phí là 20.454 tỷ đồng. “Mặc dù các khoản thu này hòa chung vào ngân sách nhà nước song Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định mục chi riêng cho bảo vệ môi trường và bố trí tăng dần”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, quá trình triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, đặc biệt là thiếu các quy định về nhiều vấn đề môi trường mới, thiếu tính đồng bộ dẫn đến phải tiếp tục ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính làm rõ nhiều nội dung.

“Bộ Tài chính cho biết, chi thường xuyên từ ngân sách cho môi trường đã bảo đảm không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phân bổ, triển khai dự toán còn chậm; dự toán hàng năm bị hủy còn nhiều, vì sao?”, ông Thi nêu câu hỏi. Đoàn giám sát cũng cho rằng cần tổng kết, đánh giá, kiến nghị cụ thể để tăng cường thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cho hạ tầng xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đô thị.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò của ngành tài chính trong công tác bảo vệ môi trường. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển, chính sách tài khóa, các công cụ tài chính cho bảo vệ môi trường không chỉ là đảm bảo có sự ưu tiên cho môi trường, mà còn phải chi đúng, chi đủ, hiệu quả.

“Không chỉ là "chi bao nhiêu", mà quan trọng hơn là "chi như thế nào" để tạo ra sự chuyển biến thực chất trong công tác này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm người gây ô nhiễm phải chi trả tương xứng với mức độ gây hại, đồng thời có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch, tái chế, tái sử dụng và kinh tế tuần hoàn; chủ động nắm bắt, hướng dẫn, tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong chính sách, pháp luật.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chi-cho-bao-ve-moi-truong-khong-chi-bao-nhieu-ma-quan-trong-hon-la-chi-nhu-the-nao-post804890.html