Chỉ còn 36 ngày để 'cứu' thị trường bất động sản?
Cho rằng thị trường bất động sản hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh chỉ còn tập trung trong tổng cộng 36 ngày tới (đến Rằm tháng Chạp), vì vậy HoREA kiến nghị nới room tín dụng thêm 1% tại thời điểm then chốt trước Tết Quý Mão.
Trong văn bản vừa gửi kiến nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế.
HoREA cho rằng, thị trường bất động sản, hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh chỉ còn tập trung trong tổng cộng 36 ngày tới (đến Rằm tháng Chạp). Vì vậy, giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất hiện nay chính là tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trong 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm 2022 thì CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm đã cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 1% (lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Hiệp hội cũng đề nghị các tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.
“Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước”, lãnh đạo HoREA cho biết.
Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản, chiều 1/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, cần tập trung rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. “Một số dự án bất động sản hiện đang có mức giá cao, các chủ đầu tư cần giảm giá hợp lý để người dân tiếp tục đầu tư, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Sơn nói và tin tưởng bằng những giải pháp đó, thị trường bất động sản dần được khắc phục.