Chi cục Kiểm lâm Hà Nội:Hiệu quả trong liên kết bảo vệ rừng giáp ranh
Thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng giữa Chi cục Kiểm lâm Hà Nội với kiểm lâm các tỉnh giáp ranh, thời gian qua, các chi cục đã ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Qua đó, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các địa phương.
Cung cấp thông tin kịp thời
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm các địa phương thường xuyên phối hợp trong công tác tuyên truyền cho chủ rừng ở khu vực giáp ranh.
Cụ thể, hằng năm, Hạt Kiểm lâm số 8 (thành phố Hà Nội) chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân trên địa bàn các xã giáp ranh; vận động người dân, các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại vùng giáp ranh, tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Đơn cử như, vào 10h ngày 31-12-2023, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo cho Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) về vụ cháy rừng trên địa bàn xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên cháy lan sang địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Theo đó, Hạt Kiểm lâm số 4 đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện Sóc Sơn tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, máy móc tham gia dập tắt đám cháy rừng.
Ngoài ra, từ nguồn tin báo của Hạt Kiểm lâm Tân Việt Hòa (tỉnh Bắc Giang), Hạt Kiểm lâm số 4 đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 3 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; tiếp nhận 4 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội theo quy định.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, loài voọc mông trắng nói riêng tại khu vực giáp ranh rừng đặc dụng Hương Sơn…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp
Tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp, liên kết quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh năm 2024, đại diện Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Xuân Hồng, hiện lực lượng kiểm lâm các Hạt vùng giáp ranh còn mỏng; phương tiện, kinh phí hỗ trợ cho công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng tình hình thực tế; tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp khu vực giáp ranh chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật, dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại, ở khu vực giáp ranh, ngày càng có nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Còn theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm số 4 (thành phố Hà Nội) Lê Văn Đức, toàn bộ diện tích rừng giáp ranh của thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) và thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đều là rừng sản xuất, nên sau khi người dân khai thác lâm sản xong, đốt dọn thực bì, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy lan sang rừng của huyện Sóc Sơn. Hơn nữa, ranh giới rừng giữa Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc chưa rõ ràng, có sự chồng lấn số lô, số khoảnh…, dẫn đến gặp khó khăn trong quản lý, bảo vệ.
Để công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng giáp ranh hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh thống nhất tham mưu chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy tại những khu vực giáp ranh. Cùng với đó, kiểm lâm các địa phương đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chia sẻ kinh nghiệm quản lý qua vệ tinh và các ứng dụng khác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm và xử lý cháy rừng…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh cho biết, chương trình phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Hà Nội và các tỉnh giáp ranh trong hơn 10 năm qua thực sự hiệu quả. Khi có sự thống nhất giữa các chi cục, mọi vấn đề, sự cố liên quan đến cháy rừng, vi phạm về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đều được xử lý nhanh gọn. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp, đồng bộ về chuyên môn của lực lượng kiểm lâm các tỉnh, thành phố.
Thời gian tới, chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Đặc biệt, tham mưu cho sở đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; xác định rõ ranh giới 3 loại rừng trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho công tác quản lý, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đây cũng là cơ sở, căn cứ để Chi cục Kiểm lâm Hà Nội làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn cũng như phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh.