Chi cục Kiểm lâm và lãnh đạo huyện nói gì vụ chặt phá rừng biên giới ở Nghệ An?

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng đang tập trung điều tra làm rõ vụ chặt phá rừng biên giới và làm rõ mục đích, nguyên nhân vụ việc.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người liên quan

Ngày 6/4, liên quan đến vụ việc chặt phá rừng biên giới trên địa bàn xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ thủ phạm trong vụ việc này.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện phải báo cáo cụ thể vụ việc đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người liên quan.

Về vấn đề Hạt kiểm lâm huyện phải đi kiểm tra nhiều lần và có nhiều số liệu khác nhau, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, do lần đầu kiểm tra chưa hết và tiếp tục kiểm tra thì phát sinh thêm và lập biên bản.

Tang vật gỗ bị chặt được cơ quan chức năng thu giữ để điều tra.

Tang vật gỗ bị chặt được cơ quan chức năng thu giữ để điều tra.

"Trong vụ việc này có 4 cây gỗ đã có người nhận chặt, 7 cây còn lại hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ ai là người chặt.

Gỗ này thuộc của chủ rừng. Khi phát hiện chặt gỗ thì chủ rừng báo cáo với kiểm lâm để cùng phối hợp tịch thu gỗ và xử lý. Còn về mục đích của khai thác gỗ, tiềm ẩn đằng sau đó thì thuộc vào trách nhiệm của cơ quan khác.

Khu vực này được biết là rừng thiêng nước độc, 2 nữa là vấn đề bảo vệ rừng cộng đồng rất tốt. Nên trong thời gian dài không ai vào đó chặt gỗ. Còn mới phát sinh vụ chặt gỗ đây", lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An nói và cho biết, việc chặt phá rừng có phải để khai thác khoáng sản hay không thì kiểm lâm không nắm được. Các cơ quan chức năng cũng đang xoáy vào vấn đề này để làm rõ nguyên nhân và đang điều tra.

Mối liên quan giữa chặt phá rừng và khai thác khoáng sản?

Trước nghi vấn, dư luận xôn xao việc "người phá rừng là bảo vệ của công ty được phép thăm dò khoáng sản, vậy vụ phá rừng này có phải là tạo tiền đề để khai thác khoáng sản?", ông Thò Bá Rê (Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn) cho hay, khu vực chặt gỗ rừng nằm trong diện tích mà Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam được cấp phép thăm dò khoáng sản.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có mối liên quan nào giữa việc chặt phá rừng để khai thác khoáng sản như dư luận xôn xao. "Hiện tại chưa có cơ sở, mối liên quan nào giữa việc phá rừng để khai thác khoáng sản", ông Rê nói.

Nhiều cây gỗ bị chặt có đường kính lớn.

Nhiều cây gỗ bị chặt có đường kính lớn.

Theo Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn, khu vực rừng cây bị chặt phá ở xã Nậm Cắn nằm trong diện tích Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam được phép thăm dò mỏ vật liệu đá ốp lát.

Thời gian thăm dò của công ty này bắt đầu từ năm 2019 đến hạn ngày 22/2/2020. Đơn vị giám sát thi công Đề án thăm dò khoáng sản mỏ đá ốp lát này là Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất.

Tang vật được đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn cất giữ để điều tra.

Tang vật được đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn cất giữ để điều tra.

Khu vực cây gỗ bị khai thác trái phép nằm ở chân lèn đá, cách khu vực đơn vị thăm dò khoáng sản khoảng 100m. Hiện trạng khu vực đơn vị thăm dò đang có 1 máy múc, 1 lán lợp tôn tạm, nhiều phiến đã đã được xẻ thành từng cục lớn. Tại thời điểm kiểm tra của cơ quan chức năng, đơn vị thăm dò không hoạt động cưa xẻ, thăm dò mới kể từ ngày hết hạn.

Năm 2021, Huyện Kỳ Sơn cũng đã ban hành công văn về việc chấm dứt hoạt động thăm dò khoáng sản tại xã Nậm Cắn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, việc thăm dò khoáng sản của công ty trên đã hết từ năm 2019 và từ ngày hết hạn thăm dò đến nay, huyện Kỳ Sơn chưa nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền cũng như của công ty về việc đề nghị tiếp tục cho thăm dò hay khai thác khoáng sản tại khu vực đã cấp phép trước đây.

UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định, việc người dân tự ý chặt cây gần xung quanh khu vực Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam đã thăm dò khoáng sản là có thật. Hiện huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Được biết nơi diễn ra việc chặt phá rừng có loại đá được đánh giá hiếm và đẹp nhất tỉnh Nghệ An.

Được biết nơi diễn ra việc chặt phá rừng có loại đá được đánh giá hiếm và đẹp nhất tỉnh Nghệ An.

"Huyện đã giao cho các đơn vị liên quan, Ban Quản lý rừng phòng hộ làm báo cáo, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Hạn báo cáo về huyện là ngày 6/4", ông Rê chia sẻ với PV.

Trước đó như đã phản ánh, ngày 17/3, từ phản ánh của người dân có việc chặt phá rừng tại bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn), UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và cơ quan chức năng vào hiện trường kiểm tra.

Qua nhiều lần kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có tổng cộng 11 cây gỗ bị chặt với khối lượng 15,63m3. 11 cây này nằm trong nhóm gỗ tạp nhóm VIII. Đường kính trung bình các cây bị chặt hạ từ 30-65cm.

Qua đấu tranh, xác minh, Hạt Kiểm lâm đã xác định được 4 trong tổng số 11 cây gỗ này do Lương Văn Phanh (trú bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn) chặt hạ với tổng khối lượng là 1,95m3. Phanh khai mục đích chặt 4 cây gỗ để về sửa chuồng bò. Hạt Kiểm lâm đã ra quyết định xử phạt với ông Phanh mức 17,5 triệu đồng.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ người đã chặt hạ 7 cây gỗ còn lại.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chi-cuc-kiem-lam-va-lanh-dao-huyen-noi-gi-vu-chat-pha-rung-bien-gioi-o-nghe-an-820227404218836.htm