Chi cục Thuế khu vực XV tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế
Chi cục Thuế khu vực XV đang triển khai tháng cao điểm tăng cường công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu thuế.

Cơ quan Công an công bố quyết định khởi tố bị can L.T.A. Tuyết để điều tra về tội “Trốn thuế” và “Buôn lậu” đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (ngày 05/5/2025).
Ông Đoàn Minh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XV cho biết, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 01/KH-BTC ngày 15/5/2025 của Bộ Tài chính và Công văn số 1249/CT-TTKT ngày 19/5/2025 của Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực XV đang triển khai tháng cao điểm tăng cường công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu thuế. Thời gian triển khai đến giữa tháng 6/2025.
Theo đó, Chi cục Thuế khu vực XV tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu thuế, đặc biệt là các vi phạm về thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).
Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế tập trung chống thất thu thuế các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, dư địa thu lớn, các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn, rủi ro về hoàn thuế. Tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ sở sản xuất kinh doanh kê khai thuế các mặt hàng trọng điểm như: sữa và sản phẩm của sữa, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, dược liệu, mỹ phẩm…
Mở đầu Tháng cao điểm, Chi cục Thuế khu vực XV đã rà soát tình hình hoạt động kinh doanh đối với các hộ kinh doanh, tổ chức và cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, qua đó đã phát hiện trường hợp người nộp thuế kinh doanh trên các sàn TMĐT có dấu hiệu trốn thuế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên cơ sở những thông tin nắm bắt được, Chi cục Thuế khu vực XV đã phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà L.T.A.Tuyết để điều tra về tội “Trốn thuế” và “Buôn lậu” đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đươc biết, bà L.T.A.Tuyết đã đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên sàn TMĐT và các trang mạng xã hội facebook, Tiktok… để kinh doanh hàng hóa nhập từ Thái Lan về Việt Nam với tư cách cá nhân. Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh của bà Tuyết phát sinh doanh thu rất lớn. Căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu xác định từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2025, tổng doanh thu của Tuyết thông qua việc bán hàng trên sàn TMĐT là hơn 27 tỷ đồng nhưng bà Tuyết đã không kê khai, không nộp thuế theo quy định. Số tiền thuế trốn tương ứng là hơn 400 triệu đồng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Trong thời gian tới, Chi cục Thuế khu vực XV sẽ tiếp tục tăng cường rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận do Chi cục Thuế XV quản lý.
Theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế: Từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cũng theo Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, mức phạt với tội trốn thuế được quy định cho cả cá nhân và tập thể. Với cá nhân, hình phạt chính được áp dụng theo 3 khung như: Phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm; phạt tiền từ 1,5 đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm. Với pháp nhân thương mại, phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt tiền từ 1 đến 3 tỷ đồng; phạt tiền từ 3 đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.