'Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội rất đúng, rất trúng!'

Theo PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, Quốc hội làm tốt khâu phê chuẩn quyết toán ngân sách sẽ giúp chi tiêu ngân sách tốt lên, bảo đảm công khai, minh bạch. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các đại biểu không coi quyết toán là việc đã rồi, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình chấp hành dự toán ngân sách là 'rất đúng và trúng vấn đề'.

Gắn với trách nhiệm giải trình

- Trong phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi quyết toán ngân sách là “việc đã rồi” và buông lỏng giám sát công đoạn này. Ông nghĩ sao về quan điểm chỉ đạo này?

- Tôi hoàn toàn tán thành chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Thực tế, không riêng Việt Nam mà ở các nước đều duyệt quyết toán ngân sách của Chính phủ sau một khoảng thời gian nhất định, thường từ 1 năm đến một năm rưỡi để Chính phủ có thời gian tập hợp tương đối đầy đủ các khoản thu và chi tiêu. Với nước ta, trong nhiều năm qua, do tình hình thống kê, báo cáo của các địa phương tập hợp về tương đối mất thời gian và cần chỉnh sửa nên công tác quyết toán ngân sách thường kéo dài một năm rưỡi (18 tháng).

Điều đáng nói, thực tế có tâm lý cho rằng quyết toán ngân sách là “việc đã rồi”, coi tiền đã tiêu rồi nên việc kiểm tra, rà soát lại cũng chỉ mang tính hình thức, không có tính giải trình hay yêu cầu cao như ở nhiều nước. Vì thế, tính nghiêm túc, giải trình, đòi hỏi với báo cáo quyết toán nhiều khi cũng đại khái, làm cho hoạt động phê chuẩn quyết toán ngân sách trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, không thể hiện được thẩm quyền của cơ quan quyền lực cũng như đại diện cho ý chí của người dân.

Từ thực tế đó, việc Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu không coi quyết toán ngân sách là “việc đã rồi”, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình là rất đúng và rất trúng vấn đề.

- Làm tốt khâu phê chuẩn quyết toán ngân sách có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội có vai trò rất quan trọng, giúp làm rõ việc thu - chi của Chính phủ có hợp lý không, nếu không thì do đâu để từ đó rút kinh nghiệm cho năm tài chính tiếp theo. Điều này đòi hỏi trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội phải xem xét cụ thể số liệu, tình hình.

Quan trọng hơn, phê chuẩn quyết toán ngân sách còn phải vạch ra định hướng để bảo đảm tính giải trình, công khai, minh bạch cùng yêu cầu thực hiện nghiêm túc cho thời gian tới. Do đó, Quốc hội làm tốt khâu này sẽ giúp cho chi tiêu ngân sách tốt lên, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Yêu cầu đặt ra với phê chuẩn quyết toán ngân sách là vậy, muốn cụ thể hóa phải là yếu tố con người. Điều này đòi hỏi các đại biểu dân cử phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bên cạnh đó, việc phê chuẩn ngân sách phải gắn với yêu cầu giải trình xem đã phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chưa, trên cơ sở đó Quốc hội mới quyết định thông qua hay không. Chỉ như vậy, việc thực thi ngân sách của năm đó mới chuẩn xác được.

Giám sát chặt hơn

- Một trong những “bệnh kinh niên” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra là ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp và đề nghị các đại biểu Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân. Theo ông, có thể lý giải thế nào về điều này?

- Điều này xuất phát từ khâu dự báo của chúng ta rất yếu. Việc giám sát của cơ quan có thẩm quyền cũng chưa sát. Nhiều năm qua, các cấp lập dự toán ngân sách đều thấp hơn tương đối nhiều so với thực tế nên hầu như năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu việc giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn, có cơ sở để phân tích, chỉ ra những điểm buộc cơ quan lập dự toán phải chỉnh sửa, bổ sung thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng này.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

- Làm thế nào để khắc phục tình trạng lập dự toán quá thấp, thưa ông?

- Muốn giải được bài toán này, đầu tiên là Quốc hội, HĐND các cấp phải có được đội ngũ tinh về tài chính, thậm chí phải sâu hơn cả những người làm về lĩnh vực đó thì mới kiểm tra, giám sát, phê duyệt được kế hoạch mà cơ quan hành pháp đưa ra, để yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung nếu thấy cần thiết. Bên cạnh đó, cần huy động được sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, tổ chức độc lập trong việc thẩm định, phê duyệt các kế hoạch này.

- Cũng trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các đại biểu phải tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách. Ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này?

- Để thực hiện dự toán ngân sách tốt nhất, đầu tiên, phải đưa ra các định mức chi phí tiêu dùng trong khu vực công một cách phù hợp, bảo đảm mức chi tiêu cũng như các yêu cầu quản lý. Trên cơ sở đó, việc lập kế hoạch ngân sách từ cấp địa phương đến Trung ương sẽ đi vào nề nếp.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và giải trình đầy đủ. Phải gắn trách nhiệm và kết quả cuối cùng của hoạt động chi tiêu ngân sách. Tức là, chi tiền thì phải xem sản phẩm đầu ra là gì, lấy đó làm tiêu chí đánh giá hiệu quả và trách nhiệm. Khâu kiểm tra, giám sát cũng phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thực thi.

- Xin cám ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/chi-dao-cua-chu-tich-quoc-hoi-rat-dung-rat-trung--i289958/