Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2023

Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2023.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Công điện nêu rõ: Trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế; để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có kế hoạch, thời hạn cụ thể hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, nhất là từ năm 2023 và các Công điện, văn bản chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ một cách thực chất, hiệu quả để người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ, thụ hưởng thật sự; trong đó tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

1. Do suy giảm, khó khăn về kinh tế tại các thị trường lớn, truyền thống của chúng ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn, làm giảm sút, thậm chí đứt gãy các chuỗi cung ứng như các mặt hàng điện tử, dệt may, da giầy, khoáng sản, đồ gỗ… Vì vậy, giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phám, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có Hiệp định FTA với Israel và các Hiệp định với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay kịp thời vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm… Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng, góp phần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lao động giá rẻ và vốn có chi phí thấp, góp phần giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.

b) Tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn…; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm quy định pháp luật.

3. Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước ngày 28 tháng 5 năm 2023); thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.

4. Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

b) Trực tiếp chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; định kỳ trước ngày 25 hằng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị (nếu có) để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

5. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc thực hiện các nội dung của Công điện này; báo cáo kết quả thực hiện kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả.

Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược).

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững

Định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

Giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 - 20%), giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo.

5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Quyết định nêu rõ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,.... Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp cụ thể: 1- Hoàn thiện thể chế; 2- Giải pháp về nguồn cung gạo; 3- Giải pháp về phía cầu; 4- Giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu; 5- Giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân.

Ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Cụ thể, Danh mục thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ, bao gồm:

Nhóm thiết bị gia dụng: Bóng đèn huỳnh quang compact TCVN 7896:2015; balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang TCVN 7897:2013; balát điện từ dùng cho bóng đèn huỳnh quang TCVN 8248:2013; bóng đèn huỳnh quang ống thẳng TCVN 8249:2013; bình đun nước nóng có dự trữ TCVN 7898:2009, TCVN 7898:2018; bếp hồng ngoại TCVN 13373:2021; bếp từ TCVN 13372:2021; đèn LED TCVN 11844:2017; tủ lạnh và tủ đông TCVN 7828:2013, TCVN 7828:2016;...

Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Màn hình máy tính TCVN 9508:2012; máy photocopy TCVN 9510:2012; máy in TCVN 9509:2012; máy tính xách tay TCVN 11848:2021; máy tính để bàn TCVN 13371:2021; tủ giữ lạnh thương mại TCVN 10289:2014.

Nhóm thiết bị công nghiệp: Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc TCVN 7540-1:2013, máy biến áp phân phối TCVN 8525:2015; đèn điện led chiếu sáng đường và phố TCVN 12666:2019; nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp TCVN 8630:2010, TCVN 8630:2019.

Bên cạnh đó, không phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với dải công suất của tổ máy phát điện.

Không cho phép vận hành tổ máy phát điện bằng than, khí có hiệu suất tại thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành thương mại thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với từng dải công suất của tổ máy.

Quyết định cũng quy định cụ thể lộ trình thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ; lộ trình áp dụng cụ thể đối với các tổ máy phát điện bằng than, khí trong các nhà máy nhiệt điện có hiệu suất thấp không được phép xây mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp hỗ trợ thực hiện loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ, các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới quy định tại Quyết định này;...

Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về loại bỏ thiết bị sử dụng năng lượng có mức hiệu suất thấp và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới quy định tại Quyết định này;...

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý của mình, chủ trì thực hiện việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 25/5/2023 thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Cụ thể, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là thành viên Ban Chỉ đạo thay ông Phạm Quang Hiệu.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 3794/VPCP-KGVX ngày 26/5/2023 gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xử lý thông tin báo nêu về lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.

Cụ thể, Báo VTV News ngày 20/5/2023 có thông tin về "Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng - Bên cạnh những giải pháp tình thế, những chính sách dài hạn là rất cần thiết trong việc hỗ trợ người lao động".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-26-5-2023-102230527094200687.htm