Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/5

Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/5/2023.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện:

1. Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

2. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể được ủy quyền theo quy định trên; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5/2023) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP ngày 6/5/2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

* Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thống nhất báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 6/5/2023 thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến Thành viên Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo đúng quy định.

* Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị quyết nhằm mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện các dự án với quy mô giá trị không lớn để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có trong thời gian các cơ quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách và tài sản công; đáp ứng yêu cầu chủ động của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các dự án với quy mô giá trị không lớn để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

Thí điểm dùng kinh phí chi thường xuyên thực hiện dự án dưới 15 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp công trình đã có

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định việc cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do đã có quy định đặc thù riêng.

Dự thảo Nghị quyết quy định 02 chính sách, gồm:

Chính sách 1: Cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có. Riêng việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, công trình trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ngân sách đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Chính sách 2: Giao Chính phủ ban hành quy định về lập, phân bổ dự toán, quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; Bộ Tài chính ban hành quy định về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Thời gian thực hiện dự kiến trong 05 năm – từ 1/6/2023 đến 1/6/2028./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-6-5-102230507101417004.htm