Chỉ đạo khẩn về các bệnh nhân Covid-19 liên quan BV Bạch Mai và xét nghiệm nhanh

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khẩn trương liên hệ với toàn bộ ca bệnh liên quan đến BV Bạch Mai để làm rõ lộ trình; tại trạm di động Hà Nội sẽ vừa test nhanh vừa xét nghiệm RT-PCR.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có công điện khẩn số 4 gửi Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vừa thực hiện test nhanh Covid-19 vừa kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR tại trạm lấy mẫu di động.

Việc này phải được thực hiện ngay từ chiều tối nay.

Ông cũng yêu cầu Giám đốc sở Y tế chỉ đạo Giám đốc CDC khẩn trương xây dựng quy trình xét nghiệm tạm thời đối với xét nghiệm nhanh tại các quận huyện, báo cáo xin ý kiến Bộ Y tế để triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lều dã chiến xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội. Ảnh: Trần Thường

Lều dã chiến xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội. Ảnh: Trần Thường

Về công tác khoanh vùng các trường hợp nghi nhiễm virus liên quan đến ổ dịch tại BV Bạch Mai, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Giám đốc CDC khẩn trương liên hệ với toàn bộ các ca bệnh dương tính từ BV Bạch Mai và nhân viên công ty Trường Sinh. Điều này để làm rõ lịch trình, đi lại, sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc của bệnh nhân từ 10/3 đến thời điểm đưa đi cách ly, điều trị.

Sau khi làm rõ, kiểm tra đảm bảo độ chính xác của thông tin, khẩn trương thông báo toàn bộ lịch trình của bệnh nhân, từ đó giúp người dân ý thức về khả năng lây nhiễm, tự kiểm tra và rà soát phát hiện những trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân.

Từ đó những người liên quan liên hệ với các trung tâm y tế để được cách ly, xét nghiệm theo quy định.

Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hôm nay, các trạm xét nghiệm nhanh lưu động đã xét nghiệm được thêm cho 1.782 trường hợp.

Các mẫu test nghi ngờ được phát hiện trong ngày sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR - phương pháp phát hiện SARS-CoV-2 để khẳng định và công bố sau.

Do lượng test hiện vẫn chưa về kịp nên hôm nay, việc xét nghiệm nhanh mới được mở rộng thêm tại khu vực quận Hoàng Mai. Ngày mai, nếu lượng test nhanh về thêm, CDC sẽ phối hợp với các quận, huyện để mở rộng các điểm xét nghiệm lưu động.

Liên quan đến 3 trường hợp test nhanh có kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện hôm qua, Phó giám đốc CDC cho biết, sau khi xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR đã có kết quả âm tính, không mắc Covid-19.

Trước đó, ngày 31/3 có 3 trường hợp test nhanh có kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng đã có kết quả âm tính sau khi xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại các mẫu nghi dương tính qua xét nghiệm nhanh ở Hà Nội trong ngày 31/3-1/4 đều cho kết quả âm tính.

Hiện có 2 phương pháp xét nghiệm, thứ nhất sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Thứ 2 là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).

Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc.

Test thử nhanh có độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (độ nhạy khoảng 65 - 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 - 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác).

Vì vậy, loại xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chi-dao-khan-ve-benh-nhan-covid-19-lien-quan-bv-bach-mai-va-test-nhanh-630289.html