Chỉ đạo quyết liệt tiến độ, chất lượng dự án môi trường bền vững
Đó là nội dung phát biểu của đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án (DA) Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu DA thành phố Đồng Hới diễn ra chiều nay, 4/4.
Tham gia buổi làm việc có ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng đoàn công tác của WB và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý DA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới thông tin một số nét về tổng quan và tiến độ thực hiện DA. Theo đó, DA gồm 18 gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA. Hiện Ban quản lý DA đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 17 gói thầu (gồm 11 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu thiết bị và 5 gói thầu tư vấn) với tổng giá trị hơn 814,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,11 triệu USD.
Các gói thầu được ký kết hợp đồng đã thi công đồng loạt từ tháng 5/2020 đến nay. Riêng gói thầu DH-1.25 (tư vấn đánh giá hoàn thành DA), Ban quản lý DA sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện vào thời điểm gần kết thúc DA.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện tổng thể của DA bị chậm và các hợp đồng đang thực hiện không hoàn thành trước ngày kết thúc DA (30/6/2022). Sau khi DA được gia hạn đến 30/6/2024, Ban quản lý DA đã tổ chức rà soát đánh giá tình hình thi công, cập nhật chi tiết tiến độ, thường xuyên đôn đốc nhà thầu huy động nguồn lực triển khai để hoàn thành các gói thầu trước ngày 30/6/2023, trừ các gói thầu xây dựng nhà vệ sinh công cộng và nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh.
Về một số khó khăn, đại diện Ban quản lý DA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới cho rằng: Hồ sơ thiết kế chi tiết một số gói thầu được lập từ các năm 2016, 2017 đến nay không còn phù hợp với thực địa, chồng lấn mặt bằng thi công với các DA khác; giá vật tư, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực của nhà thầu trong quá trình thi công; việc người dân cắm cọc, căng dây, cản trở thi công hạng mục kè và nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, đoạn gần cầu Cống Mười đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho nhà thầu thi công; chưa có nguồn kinh phí để thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu do đang chờ quyết định chuyển nguồn kinh phí từ năm 2022 sang năm 2023 của cơ quan có thẩm quyền…
Về bố trí và sử dụng vốn năm 2023, hiện Ban quản lý DA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã được cấp 70 tỷ đồng vốn vay lại; riêng nguồn vốn cấp phát (80% từ Hiệp hội phát triển quốc tế) chưa được cấp. Về nguồn vốn đối ứng địa phương, hiện đã được cấp 3,3 tỷ đồng và vốn đối ứng Trung ương chưa được cấp. Đến thời điểm 31/3/2023, tỷ lệ giải ngân là 0%.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của WB yêu cầu Ban quản lý DA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới và các cấp, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm thi công chất lượng, đúng tiến độ và giải ngân hợp lý để tránh những rủi ro phát sinh trong quá trình thực thi DA.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng lưu ý Ban quản lý DA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới và các cấp, ngành liên quan tập trung khắc phục mọi khó khăn, nâng cao trách nhiệm để triển khai DA theo hợp đồng đã ký kết. Đối với các khuyến cáo của WB về tiêu chí chất lượng thực thi các gói thầu, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đôn đốc các nhà thầu huy động lực lượng, phương tiện thi công với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Quan điểm của tỉnh Quảng Bình là sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện DA bảo đảm tiến độ, chất lượng.