Chỉ dấu về sự hài lòng của người dân
Từ 'dân nguyện' (petitions) bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là thỉnh cầu, đề nghị hoặc đòi hỏi. Dân nguyện trong hoạt động nhà nước là kiến nghị của công dân gửi tới một cơ quan công quyền (hành pháp hoặc lập pháp) thường bằng văn bản nhằm đề nghị xem xét lại chính sách trong một dự án luật hoặc một chính sách nào đó chuẩn bị đưa ra nghị viện xem xét. Qua đơn dân nguyện, cơ quan công quyền biết được mức độ hài lòng và đồng tình của người dân đối với luật pháp và chính sách công, để từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn nhằm tăng sự đồng thuận của nhân dân đối với chính quyền.
Cơ sở pháp lý
Quyền dân nguyện là một trong những quyền công dân quan trọng nhất được quy định trong Hiến pháp của Cộng hòa Ba Lan ngày 2.4.1997. Điều 63 của Hiến pháp, trong mục “Quyền và Tự do chính trị”, quy định mọi người đều có quyền nộp đơn dân nguyện (…) vì lợi ích công cộng, vì lợi ích của chính mình hoặc vì lợi ích của một người khác cho các cơ quan có thẩm quyền công, cũng như cho các tổ chức và các tổ chức xã hội liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định của họ trong lĩnh vực hành chính công.
Quy định này khẳng định quyền của công dân tham gia vào hoạt động lập pháp thông qua việc đệ trình đơn dân nguyện lên Thượng viện; cho phép mọi công dân tác động đến các quy định pháp lý có tính áp dụng chung.
![Ba Lan được đánh giá là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nguồn: study in poland](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_592_51430312/ca1eae2a94647d3a2475.jpg)
Ba Lan được đánh giá là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nguồn: study in poland
Vào năm 2014, Quốc hội Ba Lan thông qua Luật Dân nguyện, điều chỉnh toàn diện hoạt động dân nguyện bằng cách quy định đối tượng nào được nộp đơn dân nguyện, cơ quan nào có trách nhiệm xem xét đơn dân nguyện và đơn dân nguyện phải đáp ứng những điều kiện nào. Theo Luật, Thượng viện Ba Lan là cơ quan chịu trách nhiệm xem xét đơn dân nguyện trong phạm vi thẩm quyền của mình. Sau khi có quyết định về nội dung xem xét, Thượng viện có thể thúc đẩy một dự thảo luật hoặc nghị quyết liên quan. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của nền dân chủ đại diện, được công dân Ba Lan sử dụng một cách có ý thức và ngày càng thường xuyên. Ngoài ra, Luật yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm xem xét đơn dân nguyện phải hành động trong khung thời gian được ấn định để ban hành quyết định về nội dung của đơn.
Cùng với quá trình thúc đẩy thông qua Luật Dân nguyện, Thượng viện Ba Lan thúc đẩy quá trình sửa đổi Nội quy và Quy chế của Thượng viện liên quan đến quy trình, thủ tục xem xét đơn dân nguyện.
Vào năm 2008, Thượng viện đã thông qua một nghị quyết sửa đổi Nội quy và Quy chế, có hiệu lực từ năm 2009. Các đơn dân nguyện kể từ năm 2009 cho đến khi kết thúc Thượng viện Khóa X do Ủy ban về Nhân quyền, Pháp quyền và Dân nguyện xem xét. Trong nhiệm kỳ Thượng viện Khóa XI, quy chế được sửa đổi lần nữa theo đó, bắt đầu từ ngày 29.11.2023, đơn dân nguyện do Ủy ban Dân nguyện Thượng viện xem xét.
Chiến dịch nâng cao ý thức công dân về quyền dân nguyện
Từ tháng 5.2015 đến tháng 11.2016, Văn phòng Thượng viện, phối hợp với Viện Công vụ và Văn phòng Ủy viên Nhân quyền, đã phát động một chiến dịch truyền thông và giáo dục mang tên “Đơn dân nguyện - Quyền công dân”.
Chiến dịch được tổ chức với trọng tâm là phổ biến thông tin về các khía cạnh thực tế của Luật Dân nguyện, nâng cao ý thức công dân về quyền và trách nhiệm của mình đối với hoạt động dân nguyện. Chiến dịch cũng hướng đến cả các cơ quan chịu trách nhiệm xem xét đơn dân nguyện (cụ thể là các cơ quan chức năng, cơ quan hành chính công và chính quyền địa phương) và các bên có quyền nộp đơn dân nguyện (chủ yếu là công dân). Chiến dịch nhằm thúc đẩy quyền dân nguyện được hỗ trợ bởi các cơ quan, tổ chức như Trung tâm Giáo dục Công dân và Trung tâm Giáo dục Pháp lý tại Vùng Podkarpacie, Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Công cộng (IAR).
Thúc đẩy văn hóa dân nguyện
Những năm gần đây, Thượng viện ngày càng nhận được nhiều kiến nghị của công dân. Thực tế này cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của công dân vào Nghị viện như là cơ quan đại diện cho quyền lợi của họ, tin vào cơ chế vận hành dân chủ và tin vào khả năng thông qua quyền dân nguyện của mình, có thể thay đổi chính sách công.
Hoạt động dân nguyện đặc biệt quan trọng ở mỗi quốc gia và Quốc hội Ba Lan ý thức rất rõ điều này. Trước hết, các đơn dân nguyện chính là lời cảnh báo cho chính quyền về lòng dân. Qua đơn dân nguyện, cơ quan công quyền biết được mức độ hài lòng và đồng tình của người dân đối với luật pháp và chính sách công, để từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn về chính sách, chủ trương để tăng sự đồng thuận của nhân dân đối với chính quyền và giúp chính sách hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, đơn dân nguyện cũng là một kênh tương tác, huy động nguồn lực, trí tuệ từ trong dân chúng đối với các chính sách công, khuyến khích công dân tham gia xây dựng pháp luật và chính sách. Một văn hóa dân nguyện phát triển sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào giải quyết các vấn đề quan trọng đối với họ, vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của công chúng nói chung.