'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng': Chương trình có gây thất vọng?

'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng' là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, phiên bản phái sinh từ chương trình truyền hình 'Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng' hấp dẫn, đang làm mưa làm gió trên truyền hình của Trung Quốc. Phiên bản Việt Nam mùa 1 đang được phát sóng ở giờ vàng trên kênh VTV3 thứ7 hàng tuần thu hút đông đảo khán giả theo dõi.

Công bằng mà nói, truyền thông đã quảng bá rất tốt về format của chương trình, các kênh thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội đình đám như YouTube, TikTok đã đưa các trailer quảng cáo về chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" khá hấp dẫn. Danh sách 30 chị đẹp đình đám cũng được tiết lộ úp mở, đủ để gây tò mò và hưng phấn của khán giả háo hức đón chờ phiên bản "Chị đẹp" của Việt Nam khi lên sóng sẽ tỏa sáng và cuốn hút thế nào.

Tuy nhiên, đáng tiếc là khán giả kỳ vọng bao nhiêu thì khi xem qua 4 tập phát sóng của các chị đẹp, khán giả lại thất vọng bấy nhiêu. Chương trình xây dựng kịch bản chưa xứng tầm, nhạt, và chưa tạo được sự hấp dẫn của một show truyền hình thực tế.

Kết cấu lỏng, thiếu sáng tạo, nội dung nhạt, tốc độ lê thê

Tập đầu tiên, khán giả chứng kiến màn xuất hiện trong phòng kín quá dài của các chị đẹp. Việc 30 chị đẹp lặp đi lặp lại một nội dung hành động là bước vào cánh cửa ngôi nhà chung, đi tìm màu son yêu thích của mình, đăng kí tên mình vào nhóm trưởng hoặc thành viên của mỗi chị đẹp khiến cho chương trình dài, khá nhàm chán, gây sốt ruột. Cùng với việc tập trung quá nhiều thời gian cho câu chuyện phiếm gặp gỡ của ba chị đẹp Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lệ Quyên, được coi là một trong những chị đại của chương trình làm người xem có cảm giác kịch bản chương trình hơi tầm phào.

30 nghệ sĩ tham gia chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”.

30 nghệ sĩ tham gia chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”.

Ở tập 2, 3 tạm coi là 2 tập được khán giả chờ đợi nhất vì sẽ được mãn nhãn các bài biểu diễn solo nghệ thuật tinh hoa của các chị đẹp. Phải công nhận là các tiết mục biểu diễn solo của các chị đẹp phần lớn là xuất sắc, và đó có lẽ là thứ mà khán giả chờ đợi và mong muốn được xem nhiều nhất ở show truyền hình thực tế "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng".

Nhưng điểm trừ của tập 2, 3 chính là đưa quá nhiều cảnh huống ở phòng chờ của các chị đẹp ngồi chờ đến lượt mình vào trình diễn. Quay đi quay lại hình ảnh các chị đẹp ngồi chờ lượt quá lâu, mặt mũi các chị chảy dài vì mệt, vì mỏi, vì phải gồng lên trong tư thế lúc nào cũng phải diễn bởi phía trước là máy quay khiến các chị thiếu đi sự tự nhiên, linh hoạt và sức sống của một show truyền hình thực tế. Khiến khán giả cũng sốt ruột thay cho các chị đẹp.

Tập 4 phát sóng vào tối 18/11 vừa rồi là một điểm trừ mạnh, gây thất vọng cho chương trình khi đạo diễn sa đà quá nhiều vào quay cảnh sinh hoạt của các chị đẹp ở ngôi nhà chung, nhưng lại khá hời hợt, qua loa không có điểm nhấn. Truyền hình thực tế chỉ đạt được hiệu ứng khán giả tốt nhất khi những gì diễn ra phải chứa đựng những yếu tố gây bất ngờ, và đó chính là điểm nhấn thú vị của chương trình.

Phần đốt lửa trại chia sẻ "điều chưa bao giờ nói" không hiểu có đạo diễn hay không mà để các chị đẹp tự phát cảm xúc nên chương trình giống như một buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ. Thời lượng của phần "tâm sự" dài dòng, lê thê. Bên cạnh một vài câu chuyện được chia sẻ khá xúc động như ca sĩ Diệp Lâm Anh khóc luôn trên sóng do không kiềm chế được chứng "trầm cảm rối loạn cảm xúc" hay nỗi sợ hãi chụp hình của ca sĩ Phương Vy bị khán giả body shaming ngay trên sân khấu khi cô đi diễn lại sau sinh con…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng phần tâm sự của một vài chị tương đối "sượng", "giả trân". Khán giả vốn đã chờ đợi một phần tập luyện quyết liệt và phần công diễn bùng nổ của các nhóm nhạc được chia từ tập trước thì cuối cùng phần thi giữa các nhóm khá là nhạt, thậm chí nhóm của ca sĩ Mỹ Linh còn bị lạc đề. Nhiều khán giả bình luận: "Trailer một đằng, tập chiếu một nẻo", "Hy vọng lần sau chương trình đừng edit trailer kiểu vậy nữa, làm ngóng chờ cả tuần", "Phần chia sẻ dài dòng quá, xem mãi không hết nên cảm xúc trôi tuột, muốn xem các chị hát mà tập này chỉ thấy nói quá trời nói"...

Sòng phẳng mà nói, ban cố vấn bao gồm Denis Đặng, nhà sản xuất Trần Thành Trung, nhà báo Trần Hồng Hà chưa phát huy được năng lực. Không có ngôi sao, hay những cá nhân nổi trội ngồi ghế nóng như các chương trình truyền hình thực tế khác Rap Việt, Ca sĩ mặt nạ, The New Mentor (người mẫu toàn năng) để có được những nhận xét chuyên sâu, thông minh, cho thấy kiến thức về âm nhạc uyên bác, năng lực cảm thụ xuất sắc, cách phân tích phê bình sắc sảo khiến người nghe "Tâm phục khẩu phục" như ở các chương trình khác. Một điểm trừ mạnh nữa là 2 MC dẫn dắt chương trình kém linh hoạt, mà điển hình nhất là người mẫu Lâm Bảo Châu. Hình như vai trò làm host quá sức đối với năng lực của anh nên khi chương trình phát sóng càng làm lộ rõ những điểm yếu cá nhân.

Sự thất vọng của khán giả thể hiện rõ ở thống kê khi tập 4 chỉ đạt hơn 571 nghìn lượt xem sau 16 giờ đăng tải, không lọt top trending. Nhiều khán giả nhận định "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" chắc chỉ tồn tại được 1 mùa.

Cách chấm điểm gây bức xúc

Qua phần thi solo của 30 chị đẹp, nhiều khán giả bày tỏ sự khó hiểu, không đồng tình trước cách chấm điểm của ban cố vấn. Cụ thể chị đẹp Lưu Hương Giang "đốt cháy" sân khấu với ca khúc "Đừng ngoảnh lại" bằng phong cách rock mạnh mẽ, giọng hát nội lực và đoạn rap bằng tiếng Anh ấn tượng lại chỉ đạt 83 điểm trong khi chị xứng đáng nhận số điểm cao hơn. Hay phần trình diễn của chị đẹp Lynk Lee cũng để lại nhiều dấu ấn qua phần thể hiện rất cảm xúc, giọng hát chỉn chu âm vực dày, ấm ca khúc "Buồn thì cứ khóc đi" nhưng chỉ đạt 81 điểm.

Chị đẹp Nguyên Hà đã lựa chọn trình diễn hit của mình - ca khúc "Nhắm mắt thấy mùa hè". Bằng giọng hát da diết, giàu cảm xúc, phần trình diễn của chị được nhiều khán giả yêu mến nhưng chỉ nhận được 77 điểm từ ban cố vấn. Số điểm này khiến một số khán giả ngạc nhiên, so sánh với tiết mục "Chìm sâu" của Diệu Nhi ở tập 2 đạt 78 điểm và cho rằng số điểm của Nguyên Hà là không xứng đáng. Ban cố vấn nhận xét chị đẹp Nguyên Hà chọn trình diễn an toàn, chưa show ra được sự sáng tạo vượt trội và thay đổi bản thân trong trình diễn.

Trong khi đó chị đẹp MLee cũng có màn solo gây ấn tượng khi chị vừa hát, vừa rap và thể hiện vũ đạo với phần trình diễn "Cá cắn câu" chỉ đạt 80 điểm bị chê là sử dụng quá nhiều lợi thế, mà nên chọn 1 thứ để bổ trợ cho việc hát. Chị đẹp Hà Kino bị đánh giá "như hát karaoke" song lại nhận về 77 điểm. Chị đẹp Lệ Quyên, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương với số điểm cao nhất nhưng họ cũng đã trình bày phần solo của mình khá an toàn, chỉ chủ yếu là hát chứ chưa show các kỹ năng khác.

Cách cho điểm từ ban cố vấn không theo một thang chuẩn nào. Điểm số với các tiết mục bị khán giá bức xúc vì chưa chính xác. Cách phân tích nhận xét có nhiều mâu thuẫn khiến nhiều khán giả không hài lòng. Họ cho rằng vì sức ảnh hưởng mà các "chị đại" liên tục nhận được số điểm cao, còn số điểm các nghệ sĩ khác không phù hợp dù được đầu tư và thể hiện sáng tạo, chỉn chu.

Luật chơi khó hiểu

Trong tập 4 mới phát sóng, khán giả khá bất ngờ khi chương trình tạo luật chơi mới sau mỗi vòng công diễn sẽ có một đội được ban tổ chức ngẫu nhiên chọn tham gia "Thử thách nhân đôi" hay "Lợi thế ưu tiên". Nhóm của đội trưởng Trang Pháp được chọn ở tập 4 và quay trúng "Thử thách nhân đôi". Theo đó, cả đội phải thực hiện thử thách đổi bài hát từ ca khúc "Ưng quá chừng" sang bài mới "Đi đu đưa đi" khiến các thành viên đều ngỡ ngàng và lo lắng. Không ít khán giả đặt ra nghi vấn, phải chăng đội ngũ sản xuất âm nhạc lỡ "quên" vấn đề bản quyền của ca khúc "Ưng quá chừng" - vốn là một bài nhạc quảng cáo nên mới dẫn đến sự thay đổi hết sức "bất ổn" này?

Mong rằng, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" lắng nghe những phản hồi từ khán giả để có những bước đi mới rút kinh nghiệm cho các tập phát sóng sau, làm sao để chương trình ngày càng hấp dẫn hơn, hút khách hơn và tạo được tiếng vang hơn.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/chi-dep-dap-gio-re-song-chuong-trinh-co-gay-that-vong--i714757/