Chỉ định thầu, rút ngắn các thủ tục làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trước khi Bộ GTVT thực hiện chỉ định thầu.
Sẽ có nhiều cơ chế đặc thù
Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất cho phép Bộ GTVT và các địa phương được thực hiện chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư.
Các gói thầu xây lắp các dự án thành phần được đề xuất chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu; đối với các gói thầu xây lắp, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu”.
Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất cho phép triển khai trước một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng.
Cụ thể, cho phép Bộ GTVT tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, tổ chức cắm cọc GPMB và bàn giao cho các địa phương theo từng đoạn tuyến trong quá trình lập dự án đầu tư tùy thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn.
Các địa phương tổ chức ngay việc rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ triển khai công tác GPMB. Trên cơ sở hồ sơ cắm cọc GPMB, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư.
Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của dự án.
Dự thảo Nghị quyết cũng kiến nghị cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định và hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu để đảm bảo tiến độ triển khai.
Cấp “đặc quyền” cho các mỏ vật liệu
Liên quan đến việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Bộ GTVT đề xuất cho phép các bộ, ngành, địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù và thực hiện các trách nhiệm liên quan trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được Chính phủ ban hành tại các Nghị quyết số 60 và 133 để thực hiện.
Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất theo nhu cầu của dự án như đối với các mỏ đất đắp nền đường đã được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 133, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường khi quyết định nâng công suất với điều kiện phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Với các khu vực khoáng sản mới (bao gồm mỏ đã quy hoạch nhưng chưa cấp phép thăm dò, khai thác và mỏ chưa có trong quy hoạch) nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, chỉ cấp cho nhà thầu thi công thực hiện dự án.
Việc cấp mỏ và cho phép nhà thầu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng khi nhà thầu có đề nghị và đã thực hiện đầy đủ các thủ tục. Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao mỏ để địa phương quản lý theo quy định pháp luật.
Không “mắt nhắm mắt mở” chọn nhà thầu
Đại diện Bộ GTVT cho biết việc chọn được nhà thầu mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án là yếu tố quan trọng, quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình. Do vậy, Bộ GTVT sẽ tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu và báo cáo Thủ tướng.
Về việc chỉ định thầu tư vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định ngành giao thông có bài học từ dự án cải tạo và nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên tự tin việc chỉ định thầu tư vấn không ảnh hưởng gì đến dự án.
“Chúng ta chỉ định thầu nhưng đưa ra “hàng rào kỹ thuật” đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn. Tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại...Nên tôi khẳng định chỉ định tư vấn không thua đấu thầu mà còn rút ngắn thời gian và đảm bảo các yêu cầu…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết hiện nay Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước đang bám sát với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng các công trình. Vì vậy không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì người làm ẩu không ngủ được, cho dù dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm.
Theo nhận định, nếu các cơ chế đặc thù được chấp thuận đưa vào nghị quyết, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 không phức tạp về kỹ thuật có thể khởi công trong tháng 11/2022. Các dự án còn lại có thể khởi công trong tháng 12/2022. Phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026./.