Chỉ được chỉ định thầu các gói thầu đặc thù về công nghệ, an toàn hạt nhân
Về cơ chế đặc thù cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội yêu cầu chỉ chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn do đối tác đề xuất
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần (sau đây gọi là Dự án) và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu.
Theo đó, dự án được áp dụng áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng cho Dự án và phải bảo đảm nội dung áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam, không thấp hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam (nếu có) và phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn và hướng dẫn về an ninh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện Dự án.
Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Chính phủ đàm phán với Chính phủ các đối tác thực hiện để thu xếp vốn cho Dự án theo nhu cầu vốn của Dự án và theo cam kết của nhà tài trợ nước ngoài; được phép áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài; chủ đầu tư được vay và đủ điều kiện vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, không phải thực hiện thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ.
Dự án không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, đúng quy định
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng, quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Dự thảo Nghị quyết chỉ quy định chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết
Đối với việc thực hiện triển khai các dự án thành phần và các công việc khác thuộc dự án nhà máy chính mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan sẽ phải tuân thủ các hình thức, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định để bảo đảm tính minh bạch, lựa chọn được công nghệ hiện đại, an toàn.
Về công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Chính phủ đề xuất cho phép trong quá trình tham vấn cộng đồng, cơ quan tổ chức chỉ áp dụng hình thức lấy ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, việc tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này là vấn đề nhạy cảm. Nếu chỉ quy định áp dụng hình thức lấy ý kiến trực tuyến trong quá trình đánh giá tác động môi trường có thể làm hạn chế sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là khu vực không có điều kiện tiếp cận internet, không lường hết được các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người và chưa đáp ứng yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện nhiệm vụ này là không quá dài. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã bỏ quy định này, như vậy công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường./.