Chi hơn 122.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa trong 5 năm
Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Với 430/454 đại biểu tán thành (chiếm 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội), Nghị quyết đã được thông qua.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Thời gian thực hiện Chương trình trong 10 năm, từ năm 2025 đến hết năm 2035.
Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - thể thao, bảo tàng, thư viện); phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích); phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước; phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa...
Nghị quyết cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2035: Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả; phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước; hoàn thiện thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật...
Về kinh phí thực hiện, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Riêng về vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035, Nghị quyết chưa đưa ra con số cụ thể mà sẽ căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau.
Trước đó, Chính phủ dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là 256.250 tỷ đồng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến băn khoăn khi tỷ lệ "nguồn vốn khác" chiếm 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, "nguồn vốn khác" huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án; vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư; nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động)…
Theo ông Vinh, tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỷ lệ sẽ đạt cao hơn. Còn với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật…
“Khi Chương trình thực hiện hiệu quả, hoạt động của Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho chính cộng đồng, thu hút sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp,” Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.
Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.