Chi hơn 3 tỷ quảng cáo mỗi ngày, Sabeco thu lãi kỷ lục
Từ đầu năm đến nay, tính trung bình mỗi ngày Sabeco đã chi tới hơn 3,3 tỷ đồng tiền quảng cáo, marketing. Bù lại, doanh thu quý II/2019 của hãng bia này cũng đạt con số cao kỷ lục.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019. Theo đó, doanh thu thuần quý vừa qua của Sabeco đạt 9.087 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Sabeco tăng tới 15% lên 2.413 tỷ đồng. Tổng công ty này cho biết lợi nhuận gộp cao hơn do tiết kiệm chi phí sản xuất.
Trong kỳ, Sabeco ghi nhận 198 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 37%; đồng thời ghi nhận 91,3 tỷ đồng lãi từ liên doanh, liên kết, tăng 29%.
Song song với đó, tổng công ty này ghi nhận 644 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 11,8% và 183 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 10%. Chi phí tài chính khá thấp, ở mức 12,8 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2019, Sabeco thu về tổng cộng 1.872 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 19% so với cùng kỳ năm 2018.
So với lợi nhuận thu về quý I, kết quả này cũng đã tăng tới 18%. Đây là mức lãi hàng quý cao nhất sau hơn 18 tháng tập đoàn đồ uống Thaibev nắm cổ phần và tái cơ cấu Sabeco, đồng thời lập kỷ lục từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.
Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần hợp nhất của Bia Sài Gòn ước đạt 18.425 tỷ đồng, vẫn tăng 9%. Qua đó giúp hãng bia này ghi nhận tổng cộng 3.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16%, tương ứng gần 477 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Biên lãi gộp mà Sabeco thu về được trong cả quý II và lũy kế nửa đầu năm qua đều tăng khá nhiều so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng cao là do doanh nghiệp tăng giá bán với một số sản phẩm.
Hơn 3,3 tỷ tiền quảng cáo mỗi ngày
Trong bản báo cáo tài chính quý II/2019 của Sabeco có một thông tin gây chú ý là trong nửa đầu năm 2019, Sabeco đã chi ra tổng cộng 1.336 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 166 tỷ đồng so với cùng kỳ. Gần 50% trong số này là chi phí quảng cáo, tiếp thị và hỗ trợ hoạt động bán hàng.
Từ đầu năm đến nay, Sabeco chi 603 tỷ đồng, tăng hơn 203 tỷ so với cùng kỳ cho hoạt động quảng cáo, marketing. Tính trung bình, mỗi ngày Sabeco chi hơn 3,3 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm bia, nước giải khát.
Đây cũng là chi phí tốn kém nhất của hãng bia này trong cơ cấu chi phí bán hàng hiện nay. Đồng thời là con số kỷ lục mà hãng bia này từng chi ra cho hoạt động tương tự.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Sabeco ở mức 24.060 tỷ đồng, tăng 7,6% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tổng lượng tiền gửi ngân hàng lên đến 14.336 tỷ đồng (chiếm 60% tổng tài sản). Sabeco cho biết, 1.584 tỉ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 3.705 tỉ đồng là tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng và 9.047 tỉ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Sabeco đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 18.592 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 5.468 tỷ đồng, giảm 13%.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (29/7), cổ phiếu SAB của Sabeco giảm 0,9%, còn 278.000 đồng/cổ phiếu. . Tuy nhiên, trong tuần qua, giá cổ phiếu của Sabeco đã tăng +0.29%, và tăng 16,22% trong quý qua. Giá cao nhất trong 52 tuần qua đạt 289.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/7.
Tại mức định giá trên, vốn hóa của Sabeco đạt 179.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất hiện nay.
Sabeco chính thức về tay tỉ phú người Thái vào cuối năm 2017. Tập đoàn tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống của Thái - ThaiBev công bố thông tin về thương vụ mua cổ phần Sabeco lên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore vào ngày 22/12/2017.
Ban lãnh đạo Thaibev nhận định Sabeco là động lực tăng trưởng chủ lực của ngành hàng bia trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại. Tập đoàn này tin rằng việc mua cổ phần Sabeco và trở thành công ty mẹ sẽ giúp mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, nơi có dân số trẻ, mạng lưới phân phối rộng khắp và thị trường bia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.
Theo đó, Sabeco hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5.700 tỉ đồng trong năm 2016.
Ông Koh Poh Piong, Chủ tịch HĐQT Sabeco, đánh giá công ty này là "viên kim cương chưa được mài giũa" bởi tiềm năng tăng trưởng về doanh số và thị phần chưa được khai thác hết mức. Trong vài năm tới, khi tăng trưởng tiêu thụ bia tại các nước trên thế giới đi ngang hoặc âm thì thị trường Việt Nam vẫn sẽ sôi động với trên 5%.