Nông, lâm, thủy sản Việt Nam: Bứt phá ra biển lớn

2024 được coi là năm bứt phá của ngành Nông nghiệp Việt Nam với hơn 62 tỷ USD thu về trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Đây được coi là con số lớn nhất từ khi ngành Nông nghiệp có mặt hàng xuất khẩu, vượt mục tiêu Chính phủ giao trong năm 2024 (54-55 tỷ USD). Đặc biệt, nhiều ngành hàng xuất khẩu vượt con số 3-4 tỷ USD như mở rộng cửa cho nông sản Việt Nam vươn ra biển lớn..

Trái vàng, quả ngọt, hạt thơm…
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, 2024 là năm của những trái vàng, quả ngọt... Nhiều loại trái cây thâm nhập thị trường mới, như: Trung Đông, Australia, New Zealand... Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc với đơn hàng tăng đột biến, đạt trên 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm 2024.
Cùng với sầu riêng, trái dừa năm nay cũng vượt sóng ghi danh vào “mặt hàng tỷ đô”.

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên phấn khởi cho hay, trái dừa tươi của Việt Nam liên tục được Mỹ và Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội lớn cho loại quả này. Năm 2024 xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 1 tỷ USD.

Vui mừng trong sự sung túc của Tết này, người dân trồng dừa miền Tây năm nay bội thu. Ông Nguyễn Minh Tân (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) không giấu niềm tự hào: “Không ngờ trái dừa miền Tây được đón nhận tại nhiều thị trường đến vậy! Năm nay, dừa miền Tây “ngọt” cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

Từ những câu chuyện trên đã cho thấy năm 2024 là năm "đột phá" với ngành hàng rau quả Việt Nam. Xuất khẩu đạt khoảng 7,2 tỷ USD - giá trị cao nhất từ khi ngành hàng này tham gia thị trường thế giới, trong đó xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3,2 tỷ USD, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 1 tỷ USD... Rau quả Việt Nam đang chiếm lĩnh nhiều thị trường trọng điểm thế giới.

“Thi đua” với trái cây, hạt gạo Việt Nam năm nay cũng nổi bật. Hiện giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới trong năm qua (top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan) và có dấu hiệu ổn định. Theo Văn phòng thông báo, Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), gạo Việt Nam được chào đón mạnh mẽ tại châu Âu - thị trường “kỹ tính” bậc nhất thế giới.

Bằng chứng, trong vài năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây, gạo Việt Nam đoạt giải Nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines. Con số gần 6 tỷ USD giá trị xuất khẩu gạo năm 2024 đã minh chứng cho giá trị, vị thế hạt gạo Việt Nam.

Không chỉ rau quả hay gạo, nhiều ngành hàng nông sản Việt khác cũng đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ trong năm 2024. Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Ngô Hồng Phong, 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng hơn 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 62 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm trước.

Soi vào “bức tranh” này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là điểm sáng trong xuất khẩu của nước ta. Với ngành hàng mà rủi ro rất lớn khi phụ thuộc thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, biến động chính trị..., song bằng nỗ lực vượt “bão”, nông sản Việt Nam đã vươn mình xuất sắc: Xuất khẩu cà phê Robusta, hồ tiêu... lớn nhất thế giới; xuất khẩu gạo, thủy sản đứng thứ 3 thế giới. Nông sản Việt Nam đang mang niềm tự hào mạnh mẽ...

Chặng đường mới

Sầu riêng - trái vàng của ngành hàng rau quả năm 2024.

Sầu riêng - trái vàng của ngành hàng rau quả năm 2024.

Đánh giá về sự vươn lên của xuất khẩu nông sản Việt Nam, các chuyên gia chỉ rõ, hằng năm, thặng dư thương mại của ngành Nông nghiệp thường chiếm 65 - 72% toàn nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là nguồn thu, là lợi thế, tiềm năng của ngành Nông nghiệp. Hiện tại, lợi thế, tiềm năng này đang khơi thông và sẽ là nền tảng để đạt các mục tiêu năm 2025 với quy mô tỉ suất hàng hóa lớn hơn đối với nông sản Việt Nam.

Ngoài về giá trị, phân khúc thị trường đang thể hiện sự vươn lên không ngừng của nông sản Việt Nam. Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này với thị phần 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu, lần lượt là 23,7% và 11,3%. Xét thị trường theo quốc gia, năm 2024, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng hơn 24,6%, Trung Quốc tăng hơn 11%, Nhật Bản tăng hơn 5,5%. Đây là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất ở cấp độ quốc gia của Việt Nam.

Nhìn vào sự chuyển dịch của nông sản Việt Nam cho thấy, ngành Nông nghiệp đang đi đúng hướng. Mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra dần được rút ngắn, nâng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50 - 51 tỷ USD và đạt 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030. Thế nhưng, đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD; trong đó, giá trị thặng dư thương mại đạt hơn 6 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, kết quả này có sự đóng góp tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song, công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai...

Chặng đường mới, giai đoạn mới đang tạo thời cơ mới cho nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn tiềm ẩn, rất cần ngành Nông nghiệp Việt Nam nhận diện và vững vàng vượt qua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, biến động địa chính trị, xung đột quân sự, Tổng thống Donald Trump tái đắc cử... là những yếu tố đặt ra nhiều thách thức, trong đó các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, quy định kỹ thuật ngày càng khắt khe; yêu cầu về phát triển xanh, bền vững đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong đó có Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai chỉ rõ, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Ông Nông Đức Lai khuyến cáo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu; thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận, để tự tin hội nhập, các doanh nghiệp nước ta cần nâng cao nhận thức, năng lực thương mại điện tử, giao tiếp tốt hơn với đối tác trên mạng xã hội; tập trung kỹ cho khâu chế biến, xuất khẩu mặt hàng chất lượng cao kết hợp xây dựng vùng chế biến đạt chuẩn... “Đặc biệt, chúng ta cần có giải pháp tháo gỡ, mở thêm thị trường mới nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... Các hiệp hội ngành hàng cần giữ vai trò “đầu tàu” trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cánh cửa lớn đã mở, nông sản Việt Nam đang “tỏa sáng” trên thị trường nông sản thế giới. Đây là động lực, tiếp sức mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công trong lĩnh vực xuất khẩu, củng cố thêm vị thế, gia tăng giá trị để vững vàng tạo thế bứt phá cưỡi sóng vượt trùng khơi...

11 mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; 7 mặt hàng đạt hơn 3 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu rau, quả, gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu đều tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%)...

Ðỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nong-lam-thuy-san-viet-nam-but-pha-ra-bien-lon-691136.html