Chi hơn 300 tỷ đồng/năm trợ giúp người khuyết tật

Kinh phí thực hiện Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các Bộ, ngành trung ương là 86,24 tỷ đồng, địa phương là 214 tỷ đồng. TCDN -

Theo Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Từ năm 2013 - 2020, kinh phí thực hiện Đề án 1019 từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các Bộ, ngành trung ương 86,24 tỷ đồng, địa phương 214 tỷ đồng.

 Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Đề án 1019 và triển khai giai đoạn 2020-2030.

Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Đề án 1019 và triển khai giai đoạn 2020-2030.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện Việt Nam có gần 30.000 trẻ chiếm khoảng 2% dân số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm, những khiếm khuyết của trẻ trước sinh và sơ sinh trong phạm vi của Đề án 1019 được triển khai thực hiện lồng ghép trong Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Về Trợ giúp tiếp cận giáo dục, đến nay, cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành trong cả nước; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012 – 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 – 2010, đồng thời chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể.

Cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 giáo viên. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 17.000 – 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chi-hon-300-ty-dong-nam-tro-giup-nguoi-khuyet-tat-d16197.html