Chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở, vì sao?
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Dự thảo nêu quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Đây được coi là chính sách nhằm thúc đẩy từng bước thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023.
Chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà công sở, nhà ở, vì sao?
Khi dự thảo được công bố, trên một số diễn đàn mạng xã hội, có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi như mái nhà khu công nghiệp, bệnh viện, trường học...
Trao đổi với báo chí về nội dung này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Mục tiêu, quy mô của điện mặt trời mái nhà đã được Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể là: “Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW”.
Như vậy, quy hoạch cấp quốc gia đã xác định nguồn điện mặt trời tự sản tự tiêu phát triển thêm đến năm 2030 so với quy mô hiện nay khoảng 2.600 MW. Việc đặt ra quy mô này nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là bảo đảm cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, bảo đảm vấn đề an ninh hệ thống điện, vận hành an toàn và điều độ của hệ thống điện quốc gia.
Đối với Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 107/BC-BCT ngày 26-7-2023, đối tượng đã đề xuất áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.
Về hai đối tượng này, thứ nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho các đối tượng áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.
Thứ hai, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản tự tiêu, tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
“Đối với các đối tượng khác như điện mặt trời mái nhà trên mái trụ sở doanh nghiệp, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng vừa nêu”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin.
Cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học cần được xem xét, tính toán
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết, việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn. Trừ những hệ thống điện mặt trời độc lập (mini grid), có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.
Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết).
Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1MW đến 10MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng, chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày; các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…
Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao như điện tử… cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Do đó, họ không thể dùng điện mặt trời mái nhà để sản xuất (trừ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ hiện đại, trong khi hệ thống lưu trữ quy mô lớn chưa có).
Mặt khác, sự phát triển nóng của điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã để lại một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao...
Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.
“Có thể khẳng định, việc phát triển điện mặt trời mái nhà nói riêng, điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam đều được khuyến khích nhưng cần phải tuân thủ theo quy hoạch và tùy vào tình hình thực tế từng giai đoạn để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm các yếu tố môi trường, xã hội và quan trọng hơn là vì lợi ích chung của đất nước”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay.
MINH AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.