Chi Lăng: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Chi Lăng là huyện có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa vô cùng phong phú gắn liền với những chiến công hiển hách trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Chi Lăng tập trung thực hiện gắn với phát triển du lịch.

Vùng đất Chi Lăng ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống (năm 981 và năm 1077), 2 lần chống quân Nguyên - Mông xâm lược (năm 1285 và 1287)…

Hiện nay, dấu ấn về những chiến thắng trên vẫn còn được lưu giữ qua nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Cụ thể, huyện Chi Lăng có tổng số 25 điểm, khu di tích và 17 di tích đã đưa vào danh mục kiểm kê (theo Quyết định số 73 ngày 10/1/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn) bao gồm: 5 di tích, khu di tích lịch sử (4 di tích và 1 khu di tích gồm 46 điểm); 12 di tích kiến trúc nghệ thuật; 5 di tích khảo cổ; 3 di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 1 khu di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3 di tích xếp hạng quốc gia và 8 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Triển khai đồng bộ, chặt chẽ

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và người dân bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Du khách tham quan, nghe thuyết minh viên giới thiệu về đền Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Du khách tham quan, nghe thuyết minh viên giới thiệu về đền Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại các tài sản trong di tích theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quan tâm trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa theo đúng quy định.

Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích trên địa bàn, đặc biệt là Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Cụ thể một số di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo và thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh di tích như: Đền Chầu Năm Suối Lân (thị trấn Chi Lăng); Di tích Núi Mã Yên, Đền Quỷ Môn Quan (xã Chi Lăng); Đền Chầu Mười Mỏ Ba (xã Nhân Lý)… với số vốn gần 30 tỷ đồng.

Đặc biệt, huyện đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 dự án đền Chi Lăng, với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng; tổ chức khởi công dự án giai đoạn 2, đến nay dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 10/10/2024.

Cùng đó, công tác khoanh vùng, bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được huyện tích cực quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã có 6 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 6 di tích khác đã hoàn thiện hồ sơ chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Lâm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 46 điểm di tích quốc gia, trong đó có 24 điểm di tích quốc gia đặc biệt. Các điểm di tích đều được quan tâm tu bổ hằng năm. Để người dân hiểu hơn về giá trị của di tích, trong các cuộc họp thôn, xã, chúng tôi đều tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa để người dân cùng nâng cao trách nhiệm, bảo vệ di tích trên địa bàn.

Thúc đẩy du lịch phát triển

Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn huyện phát triển. Từ năm 2021 đến nay, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh khai thác 2 tuyến du lịch gắn với các điểm di tích gồm: nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Lũy Ải - đền Quỷ Môn - Ải Chi Lăng - Núi Mặt Quỷ - khu vực trồng các sản phẩm nông nghiệp an toàn; tuyến tham quan các điểm di tích tín ngưỡng gồm các điểm Đền Chầu Năm - nhà trưng bày chiến thắng - đền Quỷ Môn - đền Chầu Bát - miếu Cô Chín - đền Chầu Mười.

Ngoài đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch tâm linh, hiện nay huyện Chi Lăng đã và đang phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng tuyến du lịch số 3 trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, gồm các huyện: Bắc Sơn - Văn Quan - Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn. Trong đó, Chi Lăng có một số điểm tham quan tiềm năng là các di tích đã được các chuyên gia về công viên địa chất của UNESCO và của Việt Nam lựa chọn như: hang Gió (xã Mai Sao); điểm “Sự sống cổ dưới đáy đại dương và xuất lộ nước” (xã Thượng Cường); đền Chầu Mười (xã Hòa Bình)…

Thông qua việc chú trọng phát huy các giá trị di tích gắn với khai thác phát triển du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách tới huyện.

Bà Đinh Thị Kim Tuyết, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: Giữa tháng 6/2024, tôi đến tham quan lại các di tích ở huyện Chi Lăng, tôi thấy có sự đổi thay rõ nét so với trước. Các di tích được đầu tư khang trang hơn. Nhiều di tích tâm linh nổi tiếng trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo và xây mới, khang trang, bề thế hơn mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và người dân, những năm qua, du lịch của huyện Chi Lăng đã có nhiều khởi sắc, minh chứng là lượng khách đến huyện ngày càng tăng. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện thu hút trên 401.000 lượt khách tham quan (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu du lịch ước khoảng 66,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết thêm: Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa vai trò của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với giáo dục truyền thống, nghiên cứu học tập với phát triển du lịch của huyện.

Với tiềm năng du lịch da dạng, khác biệt cả về tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là những giá trị di tích lịch sử văn hóa, cùng với những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong huyện, du lịch di tích lịch sử ở Chi Lăng đã và đang tạo được sức hút lớn với du khách.

“Việc bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết để tạo ra động lực cho phát triển. Đối với Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng cũng vậy, nếu làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy và phát huy ý thức trách nhiệm của người dân thì chính họ sẽ là lực lượng tham gia tích cực nhất cho việc bảo tồn di tích cũng như phát triển du lịch trên địa bàn. Do đó, để bảo vệ và phát huy tốt giá trị khu di tích, nhằm từng bước xây dựng khu di tích xứng tầm là khu di tích quốc gia đặc biệt, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của khu di tích. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chi Lăng theo Quyết định số 1539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/9/2021”.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh

Tuyết Mai

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-lang-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-tich-gan-voi-phat-trien-du-lich-5020702.html