Chị lao công đưa theo 2 con trai dọn rác ngày cuối năm

'Anh hai ơi, phụ với em đưa bịch rác này lên xe', tiếng gọi của đứa bé làm anh thanh niên quay lại. Bịch rác lớn quá. Kéo chiếc xe lại gần, cả hai anh em cùng nhau bê bịch rác lên cho vào thùng...

Gần trưa 30 Tết, trong con hẻm nhỏ trên đường Đặng Dung (KP 2, P. Tân Định, Q.1, TPHCM), ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, 42 tuổi công nhân vệ sinh dân lập đang cố gắng làm sạch con hẻm và thu gom toàn bộ rác chất đầy trước cửa mỗi gia đình.

Gom rác.

Gom rác.

Chiếc chổi cán dài trên tay, chị quét từ đầu đến cuối hẻm. Mỗi đoạn ngắn chị gom rác lại thành đống. Trong khi đó, 2 đứa con của chị mỗi đứa kéo một xe. Đứa lớn là Huỳnh Phước Thiện, 23 tuổi sinh viên năm thứ 3 Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Văn Lang. Em Thiện, Huỳnh Phước Thông 14 tuổi đang theo học lớp 8. Cả hai anh em hăng say phụ mẹ làm việc trong ngày cuối năm. Mỗi đứa một cây chổi cán ngắn giúp mẹ chuyển toàn bộ rác chứa trong bịch cho lên xe...

Thiện mặc áo thun vàng quần đen. Gương mặt Thiện rất hiền lành và sang sủa. Chiếc nón vải thụp xuống che mất cặp kính cận trên đôi mắt. Thông nón trắng áo đen, quần thể dục đen. Hai anh em không nề hà bất cứ một việc gì.

Con hẻm không còn một cọng rác.

Con hẻm không còn một cọng rác.

Chị Phượng cho biết, bình thường chỉ cần một mình chị nhưng ngày cuối năm lượng rác khá nhiều. Gia đình nào cũng muốn nhà mình sạch sẽ trống trải tạo cảnh tượng tốt đẹp trong ngày tết nên thải ra rất nhiều rác. Mấy năm trước còn cố gắng nhưng gần đây sức khỏe không cho phép nên chị phải chờ sự giúp đỡ của 2 con...

Chiếc xe rác đã gần đầy. Mặt trời đã lên cao. Nắng nóng đang phủ xuống. Ba mẹ con vẫn cứ làm việc. Hầu hết các con hẻm trong khu phố đều do chị Phượng đảm nhận công tác vệ sinh. Theo qui định chị chỉ được thu của mỗi gia đình mỗi tháng 20 - 30.000đ/tháng. Vì thế để đủ sống chị càng phải làm việc nhiều hơn.

Anh em giúp nhau.

Anh em giúp nhau.

Những ngày cận tết công việc nhiều khiến chị không còn tâm trí lo cho việc nhà. Chị nói, sáng nay dậy thật sớm lo nấu nướng làm mâm cơm rồi để đó đi làm. Trưa về sẽ cúng mời ông bà sum họp gia đình xong rồi tiếp tục làm chuyến thứ 2 trong ngày đến 23g mới nghỉ ngơi đón giao thừa.

Nhìn chị và 2 cháu làm việc chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Dường như đối với 2 đứa trẻ không có chút mặc cảm nào cả. Thiện nói với chúng tôi, ba mẹ sinh ra chúng con, tạo cho chúng con một cuộc sống tốt đẹp. Ơn đó chúng con làm sao báo đáp cho hết. Nghề rác gần gũi với dơ bẩn nhưng đồng tiền kiếm ra được bằng nghề rác là đồng tiền sạch. Chúng con tự hào về điều đó nên đã mạnh dạn theo giúp mẹ vào những khi mẹ cần đến.

Bà con trong xóm lì xì cho 3 mẹ con.

Bà con trong xóm lì xì cho 3 mẹ con.

Hai chiếc xe đã đầy rác. Hai anh em mỗi đứa đẩy một chiếc đến vị trí tập kết. Chị Phượng cũng chuẩn bị nhanh chóng về nhà cúng tất niên rồi tiếp tục công việc.

Những con hẻm trong khu phố đã sạch. Sau chuyến thu gom rác cuối cùng vào chiều 30, chúng tôi mong anh chị và 2 cháu có được một cái Tết ấm cúng đầy ắp yêu thương để rồi mồng 2 tiếp tục lao vào công việc.

Trần Chánh Nghĩa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chi-lao-cong-dua-theo-2-con-trai-don-rac-ngay-cuoi-nam-611574.html