Chi mạnh tay học cưỡi ngựa, đánh golf, múa cột
Bắt đầu chơi golf khoảng 3 tháng, Duy Trương (29 tuổi, TP.HCM) đầu tư một bộ gậy 60 triệu đồng, trang phục tập luyện 5-6 triệu đồng và chi 3-5 triệu đồng cho mỗi lần ra sân.
Những môn thể thao cao cấp và độc lạ như golf, cưỡi ngựa, múa cột… đang ngày càng thể hiện sức hút đối với người trẻ.
Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, họ tìm đến những bộ môn này để tìm kiếm trải nghiệm mới, thử thách bản thân và thể hiện cá tính. Do đó, nhiều người sẵn sàng chi từ vài triệu đến chục triệu đồng mỗi tháng để đầu tư cho việc tập luyện.
Zing trò chuyện với 5 người trẻ ở những độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau để lắng nghe chia sẻ của họ về quá trình tập luyện thú vị này.
Thùy Linh (32 tuổi, doanh nhân, Hà Nội): Sau chuyến công tác tới Anh và được trực tiếp tham dự những cuộc đua ngựa sôi động, tôi bắt đầu quan tâm đến bộ môn cưỡi ngựa chuyên nghiệp, đến nay cũng được một thời gian.
Duy Trương (29 tuổi, giám đốc công ty bất động sản, TP.HCM): Tôi mới bắt đầu tập đánh golf được 3 tháng. Ngoài trải nghiệm, golf giúp tôi tạo dựng nhiều mối quan hệ hơn.
Khánh Linh (25 tuổi, luật sư tập sự kiêm HLV thể hình online, Hà Nội): Tôi duy trì tập luyện yoga bay mới được gần nửa năm. Đây là môn tập luyện vừa nữ tính, vừa đủ độ khó, tạo thách thức mới cho dân tập gym như tôi. Khám phá bộ môn mới cũng giúp khiến cuộc sống của tôi phong phú, bớt nhàm chán hơn.
Kim Tước (25 tuổi, nhân viên ngân hàng, TPHCM): Tôi gắn bó với môn tennis được 13 năm. Đây là môn thể thao yêu thích nhất và niềm đam mê lớn của tôi.
Bảo Trang (20 tuổi, sinh viên, TPHCM): Tôi theo đuổi bộ môn múa cột được một năm. Thời điểm đầu, tôi chỉ muốn thử sức thêm một môn thể thao mới lạ, nhưng dần dần lại đam mê lúc nào không hay.
Thùy Linh: Tương tự những bộ môn khác, tôi đầu tư những khoản cơ bản nhất, như tập luyện 1:1 cùng huấn luyện viên với mức học phí 600.000-1.000.000 đồng/buổi.
Chi phí mua trang phục và phụ kiện cũng đáng kể, bao gồm mũ bảo hiểm, quần áo chuyên dụng, găng tay bảo vệ, boot bảo vệ cổ chân… Tôi chú trọng đến những sản phẩm chất lượng cao, không quá để ý đến giá tiền.
Duy Trương: Tôi chi 60 triệu đồng cho một bộ gậy golf, 5-6 triệu đồng cho một bộ đồ tập ra sân, cùng găng tay khoảng 700.000 đồng. Tôi thuê HLV hướng dẫn với mức giá 15 triệu đồng/khóa gồm 30 buổi, kéo dài trong 3 tháng.
Tôi duy trì tới sân tập 3 buổi/tuần. Giá mỗi buổi tập tính theo số banh, 100 banh có giá 200.000 đồng, chưa kể các chi phí phát sinh khác. Ngoài ra, mỗi lần trực tiếp ra sân golf, tôi cũng tiêu tốn trung bình ít nhất khoảng 3-5 triệu đồng/lần.
Khánh Linh: Tôi tập theo lớp gồm 1 giáo viên và 6-7 học viên, với chi phí 1,4-2 triệu đồng/12 buổi. Phòng tập đã chuẩn bị sẵn thảm, dây, vòng… Trang phục cũng tương tự đồ tập gym hay yoga, rất đa dạng và không hề tốn kém, chỉ 400.000-500.000 đồng/bộ.
Kim Tước: Tôi tập luyện 2 lần/tuần, mỗi lần vào sân tối đa 2 tiếng và tốn khoảng 1 triệu đồng. Do đó, tôi thường đi cùng nhóm bạn 4 người để chia bớt chi phí. Tiền thuê người hướng dẫn cũng tốn khoảng 300.000 đồng/giờ.
Tôi cũng đầu tư mua vợt loại tốt với giá 4 triệu đồng, một đôi giày khoảng 3 triệu, đồ tập dao động 500.000-2.000.000 đồng tùy chất lượng.
Bảo Trang: Học phí của tôi là 2 triệu đồng/tháng, gồm 3 buổi/tuần học cùng giáo viên hướng dẫn, phòng học và các thiết bị hỗ trợ khác. Tôi cũng tốn thêm khoảng 500.000 đồng cho việc mua quần áo tập mỗi tháng.
Thùy Linh: Tôi tìm đến môn cưỡi ngựa với mục đích được thử sức và tính độc đáo của nó. Với gym, bộ môn tôi gắn bó 10 năm qua, tôi rèn luyện được sức khỏe cơ bắp và sức bền cơ thể.
Còn ở môn cưỡi ngựa, tôi rèn luyện được thêm tính nhẫn nại, khả năng xử lý tình huống nhanh và chinh phục nỗi sợ hãi của bản thân. Điều này cũng tương tự việc chinh phục những thử thách trong công việc và cuộc sống.
Duy Trương: Golf là môn thể thao không chỉ mang lại sức khỏe cho người tập, mà còn đem đến nhiều mối quan hệ khác. Đặc biệt, chơi golf cũng là một cách thức làm việc đối với những người làm kinh doanh. Đến nay, bộ môn này vẫn là định hướng đúng đắn của tôi.
Khánh Linh: Cơ thể mình trở nên linh hoạt và dẻo dai hơn, sức bền được cải thiện. Đặc biệt, cánh tay trở nên khỏe hơn sau từng tuần luyện tập.
Mặc dù đã có thể lực tốt từ việc tập gym suốt 7 năm, yoga bay vẫn không hề dễ dàng ở những buổi tập đầu tiên bởi tôi sẽ phải lộn ngược hoặc đứng trên sợi dây đu đưa. Cảm giác đứng trên cao gần tới trần nhà vừa sợ, vừa “đã”.
Kim Tước: Chơi tennis giúp tôi khỏe hơn, tăng cường vận động và giảm căng thẳng trong công việc. Sau thời gian dài theo đuổi, tôi đã tham gia một vài giải đấu phong trào, có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các tay vợt khác.
Bảo Trang: Tôi cảm thấy sức bền và độ dẻo dai ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, múa cột còn là bộ môn xả stress hiệu quả sau một ngày mệt mỏi. Tôi có thể khẳng định bộ môn này đúng với mục đích mình mong muốn và tìm kiếm.
Thùy Linh: Với niềm đam mê bất tận cho thể thao và tập luyện, chắc chắn tôi sẽ không dừng ở 1-2 bộ môn nào cả. Tôi sẽ tiếp tục khám phá những môn tập luyện mới phù hợp với độ tuổi và tính chất công việc.
Duy Trương: Hiện tôi không có dự định khác, muốn tập trung hoàn toàn cho môn thể thao này để “lên tay”.
Khánh Linh: Tôi chắc chắn sẽ khám phá thêm những bộ môn mới trong tương lai, có thể là yoga truyền thống, múa cột... Tôi luôn muốn bồi dưỡng thêm và làm mới lối sống của mình, vừa để có cuộc sống cân bằng, khỏe mạnh, vừa để truyền cảm hứng tới những người xung quanh.
Kim Tước: Tôi sẽ chơi tennis đến khi sức khỏe không còn cho phép. Mục tiêu của tôi là 60 tuổi vẫn có thể ra sân tập.
Bảo Trang: Ngoài việc tiếp tục gắn bó với múa cột, tôi sẽ thử sức với các bộ môn khác như yoga bay hay múa vòng. Tôi nhận thấy các môn thể thao dụng cụ có khá nhiều điểm tương đồng và phù hợp với thể trạng của tôi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-manh-tay-hoc-cuoi-ngua-danh-golf-mua-cot-post1344632.html