Chỉ ngay sau Tết Âm lịch 2024, quân nhân không chú ý điều này thì sẽ đối diện mức phạt rất nặng

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư mới về quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó quy định, quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân.

Từ ngày 15/2/2024, quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân

Ngày 27/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có một số thay đổi mới liên quan đến quy định về vắng mặt trái phép của quân nhân.

Theo Khoản 9, Điều 8, Thông tư 143/2023/TT-BQP, vắng mặt trái phép là hành vi vắng mặt ở đơn vị dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24-72 giờ (3 ngày) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24-168 giờ (7 ngày) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.

Theo nội dung Thông tư 143/2023/TT-BQP, về các hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi vắng mặt trái phép mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền: Người nào vắng mặt trái phép thì bị kỷ luật khiển trách.

Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan:

- Là chỉ huy;

- Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

- Lôi kéo người khác tham gia;

- Trong sẵn sàng chiến đấu;

- Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Quân nhân nếu tái phạm và đã bị xử lý kỷ luật hình thức cao nhất được quy định như trên thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

Theo quy định hiện hành (Thông tư 16/2020/TT-BQP), các mức hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi này chỉ gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

Từ ngày 15/2/2024, quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân. Ảnh minh họa: TL

Từ ngày 15/2/2024, quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân. Ảnh minh họa: TL

Đối tượng áp dụng trong Thông tư 143/2023/TT-BQP

Theo Điều 2 Thông tư 143/2023/TT-BQP, các đối tượng áp dụng các quy định liên quan đến xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam gồm:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (gọi tắt là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).

Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Học viên đào tạo sĩ quan dự bị tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.

Người thôi phục vụ trong Quân đội, thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng vi phạm kỷ luật trong thời gian tại ngũ, làm việc đến mức phải xử lý kỷ luật.

Thông tư 143/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ 15/2.

Quân nhân là gì?

Quân nhân là những người phục vụ trong lực lượng vũ trang tại một đơn vị quân đội của quốc gia nói chung, gồm các chức vụ sau: Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp và không bao gồm cảnh sát, công an hay những người phục vụ trong ngành an ninh.

Để trở thành quân nhân chuyên nghiệp cần điều kiện gì?

Quân nhân chuyên nghiệp là gì?

Theo Khoản 1, Điều 2, 3 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015:

Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân và được tuyển chọn, tuyển dụng dựa theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

Trong đó, theo Khoản 3,4, Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015, quân nhân chuyên nghiệp gồm có:

Quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ: Là những quân nhân chuyên nghiệp đang còn phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

Quân nhân chuyên nghiệp dự bị: Là những công dân Việt Nam có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân theo quy định pháp luật.

Điều kiện để trở thành quân nhân chuyên nghiệp

Theo Khoản 3, Điều 14 về tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp trong Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 có quy định điều kiện để trở thành quân nhân nghiệp như sau:

Một người quân nhân chuyên nghiệp cần có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội.

Quân nhân chuyên nghiệp cần có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của một người quân nhân chuyên nghiệp.

Để trở thành quân nhân chuyên nghiệp cần có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội. Ảnh minh họa: TL

Để trở thành quân nhân chuyên nghiệp cần có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội. Ảnh minh họa: TL

Cấp bậc của quân nhân theo quy định hiện nay

Với sĩ quan

Sĩ quan là cán bộ thuộc lực lượng vũ trang của quân đội có vị trí nòng cốt và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ khác do Nhà nước giao.

Sĩ quan được phân chia cấp bậc theo Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi 2008 gồm 3 cấp và 12 bậc cụ thể từ thấp đến cao. Cụ thể:

Cấp Úy gồm có 4 bậc là: Thiếu úy, Trung úy, Thượng úy, Đại úy.

Cấp Tá gồm có 3 bậc là: Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá, Đại tá.

Cấp Tướng gồm có 4 bậc là: Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thượng tướng, Đô đốc Hải quân; Đại tướng.

Với hạ sĩ quan, binh sĩ

Căn cứ vào Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân còn đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Công dân có nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân được gọi là hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

Theo Điều 4 Thông tư 07/2016/TT-BQP, Hạ sĩ quan, binh sĩ được phân chia cấp bậc gồm 03 bậc quân hàm sau:

Thượng sĩ

Trung sĩ

Hạ sĩ

Với quân nhân chuyên nghiệp

Quân nhân chuyên nghiệp là những công dân Việt Nam được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh với đầy đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân.

Điều 16 trong Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, quân nhân chuyên nghiệp được phân chia cấp bậc dựa theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương. Cụ thể:

Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.

Trung tá quân nhân chuyên nghiệp.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp.

Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.

Trong đó, bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp gồm có 3 loại sau:

Loại cao cấp: Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.

Loại trung cấp: Trung tá quân nhân chuyên nghiệp.

Loại sơ cấp: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chi-ngay-sau-tet-am-lich-2024-quan-nhan-khong-chu-y-dieu-nay-thi-se-doi-dien-muc-phat-rat-nang-17224010311522182.htm