Chi nhiều tỷ đồng để bảo tồn một loài vượn cực quý hiếm

Vượn siki là động vật quý hiếm xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam rất cần bảo tồn, phát triển.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định về việc phê duyệt khoản viện trợ Dự án Bảo tồn bền vững loài Vượn siki (Nomascus siki) tại vùng đa dạng sinh học trọng điểm Trường Sơn.

Hai cá thể Vượn siki (cá thể cái bên trái).

Hai cá thể Vượn siki (cá thể cái bên trái).

Được biết dự án này do Quỹ Arcus Foundation tài trợ với nguồn vốn không hoàn lại 250.000 USD tương đương hơn 6 tỷ đồng nhằm góp phần bảo tồn bền vững loài vượn siki cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam.

Dự án sẽ được thực hiện tại huyện Quảng Ninh đến hết ngày 31/12/2026 với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý, bảo tồn động vật hoang dã, sinh cảnh khu vực rừng phòng hộ Quảng Ninh và hệ thống quản lý toàn diện thiên nhiên, con người ở khu vực đa dạng sinh học trọng điểm Trường Sơn.

Cùng với đó nâng cao năng lực quản lý rừng và sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm rừng phòng hộ Quảng Ninh nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên…

Công ty TNHH MTV Bảo tồn Thiên nhiên Việt là đơn vị trực tiếp quản lý và thực hiện Dự án.

Theo tìm hiểu, Vượn siki là động vật quý hiếm xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam rất cần bảo tồn, phát triển. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam và Lào, phân bố rải rác trên khắp Việt Nam nhưng chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình.

Vượn siki là động vật quý hiếm xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) (ảnh: AFP).

Vượn siki là động vật quý hiếm xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) (ảnh: AFP).

Loài Vượn siki sống ở rừng lá rộng đất thấp, với một số quần thể sống ở vùng rừng núi. Loài này đang phải đối mặt với nguy cơ giảm số lượng lớn do môi trường sống bị hủy hoại từ việc khai thác, săn bắn và xáo trộn bất hợp pháp từ những người thu gom lâm sản ngoài gỗ và người dân địa phương. Số lượng loài này được cho là đã giảm 50% trong 45 năm qua.

Vượn siki có thân hình thon nhẹ, chân, tay dài. Chúng được cho là nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao. Cá thể vượn trưởng thành có thể chuyền cành bằng hai chi trước, đu từ cành này sang cành khác với khoảng cách lên tới 15 m, với vận tốc cao tới 56 km/.

Các thành viên của loài vượn đen Siki không có màu đồng nhất, con đực có màu đen toàn thân, hai má có lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm. Con cái lông màu vàng sẫm, lông quanh mặt tủa ngang, đỉnh đầu màu xám hoặc tua đen. Vượn con đều có lông màu vàng nhạt.

Vượn Siki kiếm ăn trên cây cao, chủ yếu là quả, hạt, lá, chồi cây, côn trùng, trứng chim, chim non. Vượn Siki kết đôi vĩnh cửu, chúng sinh sống thành bầy kiểu xã hội tập thể. Mỗi bầy đàn chiếm cứ một khu vực và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng cách kêu hú hoặc phô trương.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-nhieu-ty-dong-de-bao-ton-mot-loai-vuon-cuc-quy-hiem-169240730091916379.htm