Chị nông dân 9X đút túi tiền tỷ nhờ nuôi con đặc sản 'đen sì đẻ khỏe'
Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà ác.
Mới sinh năm 1992 nhưng chị Phạm Thị Nhân (trú xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã có trong tay một trang trại nuôi gà ác cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, chị Nhân đổi đời và từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chia sẻ với Dân Việt về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Nhân bùi ngùi nói: "Tôi từng nghĩ rằng, những nỗ lực và cố gắng của mình đã được đền đáp bằng một công việc tại ngân hàng với mức lương khá cao, cuộc sống tạm gọi là ổn định nơi "Sài Gòn hoa lệ". Thế nhưng, một cơn tai biến bất ngờ ập đến khi tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. Từ lần đó, tôi đành xin nghỉ việc và cùng chồng con khăn gói về quê".
“Lúc đó tôi rất tuyệt vọng bởi sức khỏe không chỉ giảm sút nhiều mà ngoại hình cũng bị ảnh hưởng không ít. Biến chứng của tai biến khiến khuôn mặt tôi bị méo một bên và hiện tại vẫn chưa trở về như lúc trước”, chị Nhân chia sẻ thêm.
Nắm trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh tế, chị Nhân vừa tiếc nuối khi bỏ lại những khát vọng nơi phố thị, vừa ấp ủ dự định khởi nghiệp với nông nghiệp. Chị nhen nhóm những hy vọng đổi đời trên mảnh đất quê hương để vượt lên số phận, để không là gánh nặng của gia đình.
Nghĩ là làm, chị Nhân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi 200 con heo và 3.000 con gà ác. Nhưng bắt tay vào làm chị mới thấy công việc không dễ dàng, chăn nuôi đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế, nên với một người "chân ướt chân ráo" như chị gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ sau 3 tháng, vì lo sợ dịch bệnh nên chị Nhân phải bán gấp 200 con heo chưa đến tuổi xuất chuồng. Ngẫm thấy nuôi heo nhiều rủi ro, bản thân lại quá non kém về kinh nghiệm, nên chị quyết định vay mượn thêm vốn để tập trung đầu tư mở rộng trang trại gà ác lên quy mô 5.000 con.
Chị Nhân chia sẻ, "cú ngã" đầu tiên khiến chị lỗ vốn nặng nề nhưng chị không nản lòng mà vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê chăn nuôi. Chị tìm đọc kiến thức nuôi gà ác cho hiệu quả kinh tế cao trong sách báo, mạng internet. Thông qua các cán bộ thú y để nắm chắc kiến thức, đảm bảo chăm sóc đàn gà đúng kỹ thuật.
Gà ác có bộ lông trắng, da, thịt, xương và mỏ đều màu đen. Đây là giống gà quý, tuy nhỏ bé nhưng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Đặc biệt, gà ác không chỉ là nguồn thức ăn bổ dưỡng thông thường, mà nó còn được xem là một món thuốc bắc quý hiếm được nhiều người ưa chuộng.
Vì là giống gà dễ tính và dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, tỉ lệ rủi ro thấp, ít tiêu tốn thức ăn, chuồng trại không mất nhiều diện tích nên chị Nhân không gặp nhiều khó khăn khi phát triển đàn. Riêng chỉ bài toán về giá cả và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm khiến chị "đau đầu".
“Những ngày đầu thật sự khó khăn đối với vợ chồng tôi. Tôi phải chạy đôn chạy đáo để tìm đầu ra cho sản phẩm của trang trại. Có ngày, tôi chỉ bán được 5-10 con gà và vài trăm trứng để bù lỗ. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Sau những ngày tháng cố gắng, sản phẩm của trang trại được nhiều đại lý, người dân lựa chọn vì chất lượng và giá cả phải chăng”, chị Nhân bộc bạch với Tiền Phong.
Nhờ có giá trị đặc biệt về dinh dưỡng và dược tính nên nhu cầu tiêu thụ thịt gà ác ngày càng lớn, giá thành cao. Hiện nay, nguồn thu chính của trang trại chị Nhân là từ trứng gà ác, trung bình mỗi ngày thu được hơn 2.000 quả, giá bán dao động từ 28.000-30.000 đồng/10 quả trứng. Cùng với đó, khi gà ác đạt trọng lượng khoảng 1kg là có thể xuất bán thịt, giá 120.000 đồng/kg.
Trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như bỏ cuộc, đến nay chị Nhân đã hái được quả ngọt với mô hình chăn nuôi gà ác, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí chị thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Về kỹ thuật nuôi gà ác, chị Nhân chia sẻ, nuôi gà ác không đòi hỏi nhiều về kiến thức, kỹ thuật nhưng lại rất cần ở người nuôi sự tỉ mỉ, cần cù. Muốn nuôi gà đạt hiệu quả thì điều đầu tiên phải chọn được giống tốt, đàn gà giống bố mẹ phải sạch bệnh. Gà con có nguồn gốc rõ ràng và có bộ lông màu trắng tuyền đặc trưng, nhanh nhẹn, mỏ khép kín, chân bóng….
Tiếp đó là khâu phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại. Gà ác có sức đề kháng cao, khả năng chịu nóng tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Trong quá trình nuôi cần phải tiêm đầy đủ một số vắc xin ngừa bệnh nguy hiểm như dịch tả, cầu trùng, đặc biệt là cúm AH5N1.
Thức ăn và nước uống cho gà phải đảm bảo sạch sẽ, đủ dinh dưỡng, đồng thời luôn bổ sung vitamin, khoáng chất và điện giải để gà phát triển khỏe mạnh, đẻ trứng đều.
Đặc biệt, theo báo Phụ nữ Việt Nam, để cho ra những con gà khỏe mạnh, chất lượng trứng tốt nhất chị Nhân đã đầu tư cơ sở vật chất khá tốn kém. Bên cạnh việc xây dựng mô hình trang trại cho gà đẻ một cách khoa học, chị còn đầu tư thiết bị quạt gió, hệ thống điện, lò sưởi, hệ thống âm thanh cho gà nghe nhạc. Đây là mô hình không còn xa lạ khi gắn với nông nghiệp sạch, nhưng cách làm của chị Nhân là hoàn toàn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Gà được nuôi trên đệm lót sinh học và nghe nhạc giao hưởng. Chính vì vậy mà số lượng trứng chất lượng hơn, gà đẻ nhiều đều mỗi ngày, khách sỉ, lẻ trong và ngoài tỉnh ngày càng ưa chuộng.
Với sự nỗ lực vươn lên làm giàu thành công, chị Nhân là tấm gương thanh niên điển hình tại địa phương làm kinh tế giỏi, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để bà con trong vùng cùng phát triển mô hình nuôi gà ác cho giá trị kinh tế cao.
Minh Hoa (t/h)